Kem chống nắng đe dọa san hô

Theo một nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban châu Âu (EC), các chất lọc tia cực tím dạng kem được sử dụng để bảo vệ da là nguyên nhân gây nên hiện tượng mất màu của các rặng san hô trên thế giới.

Các rặng san hô rất có ích về mặt sinh học cũng như tạo nên sự đa dạng của hệ sinh thái, trực tiếp nuôi sống nửa tỷ người trên trái đất. Tuy nhiên 60% các rặng san hô này đang bị đe dọa do thay đổi khí hậu, ô nhiễm công nghiệp và bức xạ cực tím.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc EC, đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives (Mỹ), đã đưa kem chống nắng vào danh mục tác nhân nguy hiểm và dự đoán khoảng 10% các rặng san hô trên thế giới có thể bị mất màu do kem chống nắng.

Các thành phần của kem chống nắng và những sản phẩm bảo vệ da khác được tìm thấy gần biển và vùng du lịch nước ngọt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy những hóa chất này có thể tích tụ trong động vật sống dưới nước và phân hủy thành các sản phẩm độc hại.

Kem chống nắng được cho là một trong các nguyên nhân chính làm mất màu các rặng san hô. (Ảnh: NOAA)

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Pisa (Ý) đã kiểm tra mức độ tác động của 3 nhãn hiệu kem chống nắng lên nước biển xung quanh các rặng san hô ở Mexico, Indonesia, Thái Lan và Ai Cập. Họ phát hiện một lượng nhỏ kem chống nắng cũng có tác động tàn phá màng nhầy của các rặng san hô trong vòng 18 đến 48 giờ đồng hồ. Trong vòng 96 giờ đồng hồ, quá trình tẩy màu ở san hô đã diễn ra. Số lượng virus trong nước biển xung quanh các nhánh san hô cũng tăng gấp 15 lần so với bình thường.

Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), mỗi năm có khoảng 78 triệu người khám phá các rặng san hô, và theo ước tính, có khoảng 4.000 đến 6.000 tấn kem chống nắng được sử dụng ở những vùng có rặng san hô, với khoảng 25% thành phần kem chống nắng bị hòa vào nước sau khi du khách ngâm mình dưới biển khoảng 20 phút.

 

Theo TRƯỜNG THỊNH (AFP, Tuổi Trẻ Online)