Kết cục bi thảm của cuộc thám hiểm “sa mạc 50 độ” ở châu Úc

Kết cục bi thảm của cuộc thám hiểm

Để có thể vẽ nên bản đồ cho nước Úc, không ít nhà thám hiểm đã phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình.

Khác với các châu lục khác, châu Úc là một địa danh có vùng địa hình vô cùng khắc nghiệt, nhiều sa mạc với thời tiết đáng sợ. Chính vì thế mà ban đầu, nhiều người không dám tới khám phá lục địa này.

Phải chờ đến năm 1861 mới có những người dũng cảm đầu tiên tới thám hiểm, khám phá nơi đây nhưng cuối cùng, họ cũng phải trả giá bằng chính mạng sống của mình…

Cuộc thám hiểm đầy hứa hẹn

Ban đầu khi người châu Âu phát hiện ra châu Úc, họ chỉ coi đây là vùng đất chết – một nơi có sa mạc kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, thức ăn vô cùng khan hiếm. Chính vì vậy, trong suốt một quãng thời gian dài, các quốc gia châu Âu “sử dụng” châu Úc như một nơi để giam giữ và lưu đày tù nhân.

Nhưng sự kiện phát hiện thấy vàng tại tiểu bang Victoria vào năm 1851 đã thay đổi tất cả. Nhiều người di cư tới đây nhiều hơn, tới năm 1860, lục địa này đã có gần 140.000 dân.


Đoàn thám hiểm ban đầu có tới 19 người

Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng đất đai vùng nội địa vẫn là nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, vào năm 1857, nhà chức trách Victoria thành lập một ủy ban nhằm tìm kiếm những người dũng cảm dám khám phá, khai hoang vùng đất mới.

Trong danh sách xung phong đó nổi bật lên là Robert Burke – một quân nhân về hưu và bác sĩ William Wills. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đoàn thám hiểm quyết định khởi hành vào tháng 8/1860.

Lúc bấy giờ đoàn bao gồm 19 người đàn ông dũng cảm thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, họ sử dụng 23 con ngựa, 6 toa xe cùng 26 con lạc đà để đi xuyên lục địa châu Úc.

Ngày khởi hành, có hơn 15.000 người dân tới đưa tiễn, tất cả đều hi vọng đoàn thám hiểm sẽ mở ra một trang mới hứa hẹn cho châu Úc. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng, chuyến đi này lại vô tình đưa nhiều người tới địa ngục.

Những quyết định sai lầm

Vào tháng 7/1859, chính phủ Nam Úc đã treo một giải thưởng lớn cho ai tới được kinh độ 143 nằm ở phía Bắc của lục địa này. Một nhà thám hiểm tên John Stuart Mill đã lớn tiếng tuyên bố, không ai có thể thực hiện được điều này ngoài ông ta. Phát ngôn này khiến đoàn thám hiểm rất tức giận và mọi người đều cố gắng tìm cách để chiến thắng.

Cuộc hành trình gian khó này kéo dài nhiều ngày liền. Tại vùng đất Gambala, để hạn chế sức lực của các con vật, Burke cùng đồng sự xuống đi bộ để giảm thiểu sức nặng cho ngựa và lạc đà.

Cuộc thám hiểm ngày một khó khăn, gian khổ hơn khi trong hai tháng liên tiếp, đoàn người đã đi tới 750km. Từ đây, nhiều người trong đoàn tỏ ra chán nản. Mười ba thành viên của đoàn thám hiểm quyết định bỏ cuộc nhưng may mắn thay, Burke và Wills cũng tìm được 8 người mới để thay thế.


Burke, Wills, Gray và King đã tách đoàn để đi thám hiểm phương Bắc

Tốc độ ngày một chậm lại khiến Burke rất sốt ruột, ông quyết định chia đôi đoàn thám hiểm để có thể di chuyển nhanh hơn, tăng cơ hội chiến thắng John. Kế hoạch của ông là chọn con ngựa mạnh nhất cùng 7 người đàn ông nhanh nhẹn và một số lượng thiết bị nhất định để đến sông Copper Creek thám hiểm trước. Sau đó, họ sẽ chờ cho những người khác bắt kịp.

Nhưng một mâu thuẫn xảy ra khi mọi người đến vùng ven sông này. Trong khi nhiều người muốn chờ 1 – 2 tháng để qua đợt nắng nóng gay gắt thì Bruke lại muốn di chuyển ngay. Đoàn thám hiểm lại bị chia đôi, Burke, Wills cùng 2 đoàn viên khác là Gray và King lên đường, còn để lại vài người do đoàn viên Brahe quản lý để canh giữ khu trại.

Đây là quyết định vô cùng sai lầm của Burke, nhiệt độ ngoài trời lúc này lên rất cao, gần 50 độ C. Dù đã kiếm được nhiều vùng đất mới, các loại cây lạ, độc đáo nhưng thời tiết quá khắc nghiệt đã khiến cho cả đoàn vô cùng mệt mỏi.

Một con lạc đà đã bị bỏ lại, ba con lạc đà khác đã bị giết để làm thực phẩm trên đường đi. Đen đủi hơn, Gray mắc bệnh lỵ, anh rất mệt mỏi nhưng Burke cho rằng, đây chỉ là trò lười nhác nên vẫn tiếp tục ra lệnh cho đoàn người di chuyển.

Gray tội nghiệp nhanh chóng đuối sức và qua đời vào ngày 17/4/1861. Quá đau buồn cũng như nhận thấy lương thực đã cạn kiệt, Burke và Wills quyết định quay lại Cooper Creek. Sau vài ngày miệt mài đi không nghỉ, cuối cùng ba người cũng về tới sông Cooper Creek nhưng kinh hãi nhận ra, toàn bộ khu trại nơi đây đã không còn một bóng người.

Những nhà thám hiểm thiếu may mắn

Nguyên nhân là trong lúc Burke tách đoàn đi, một người trong đoàn đã ốm nặng rồi qua đời. Sự việc làm cho Brahe vô cùng chán nản. Bên cạnh đó, trước khi đi, Burke đã hứa hẹn sẽ quay trở lại trong vòng 13 tuần, vậy mà đợi đến tuần thứ 18, đoàn của Brahe vẫn không thấy người đâu.

Chính vì thế, Brahe đã quyết định quay về để lấy thêm thức ăn vào trưa ngày 21/4/1861. Đen đủi thay, chỉ chục tiếng sau, Burke, Wills và King đã về tới khu trại.


Burke, Wills và King vô cùng tuyệt vọng khi biết mình bị bỏ rơi

Cả ba vô cùng mệt mỏi, đói khát mà thức ăn Brahe để lại không còn nhiều. Không đợi chờ thêm, Burke quyết định cùng với Wills và King di chuyển về phía Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ. Trước khi đi, họ để lại một bức thư trong hòm đồ cùng nhật ký cuộc hành trình tại trại cho Brahe nếu ông có quay trở về. Đúng như dự liệu, Brahe quay lại khu trại vào ngày 8/5 nhưng ông lại không tìm thấy bức thư.

Burke, Wills, King vô vọng di chuyển, càng đi họ càng tuyệt vọng, thiếu nước, thức ăn, cùng cơ thể kiệt sức vì thời tiết quá sức khắc nghiệt. Wills và Burke qua đời vào tháng 7/1861, trong khi đó, King may mắn được cứu sống bởi những người thổ dân.


Đoàn thám hiểm đã vẽ bản đồ nhiều nơi quan trọng trong vùng nội địa châu Úc

Ngày 15/9, đội cứu hộ hoàng gia Anh tìm thấy King. Ông vừa khóc vừa kể lại cuộc hành trình gian khổ và những điều họ phải chịu đựng. Qua lời kể của ông, mọi người mới biết rằng, Burke cùng Wills đã để lại nhiều tài liệu quý giá ở lán trại trên sông Cooper Creek.

Những phát hiện vĩ đại

Với mỗi địa điểm di chuyển, Burke, Wills, Gray đã vẽ lại những vị trí địa lý quan trọng của châu Úc. Đặc biệt hơn là họ đã hoàn thiện các vùng đất ở phía Bắc, đặt tên cho các con sông, suối lớn mọi người chưa biết đến.

Một đoàn cứu hộ đã được cử đi để tìm kiếm xác của Burke cùng Wills. Trên đường di chuyển, họ cũng tìm hiểu ra vô số địa danh cùng kiến thức địa lý quan trọng. Thi thể của Burke và Wills sau đó được tổ chức mai táng và chôn cất cẩn thận tại nghĩa trang Melbourne trong sự thương tiếc của 40.000 người đến dự.


Để tưởng nhớ tới công lao to lớn, hình ảnh Burke và Wills đã xuất hiện trên nhiều vật dụng của người dân châu Úc

Thú vị hơn, trong đoàn thám hiểm có một bác sĩ – nhà nghiên cứu thực vật tên Hermann Beckler. Trong chuyến đi này, Beckler đã thu thập hơn 45 mẫu cây hoàn toàn mới. Nhờ công lao của Beckler, khoa học hiện đại mới biết đến những loài cây kỳ lạ ở châu Úc.

 

Theo PLXH