Theo nghiên cứu của Christian D. Klose thuộc Đại học Columbia (Mỹ), trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử Australia xảy ra là do những thay đổi lực ở cấu trúc vỏ trái đất phát sinh qua 200 năm khai thác than dưới lòng đất.
Trận động đất 5,6 độ Richter làm rung chuyển Newcastle (bang New South Wales) tháng 12-1989 đã cướp sinh mạng của 13 người, làm bị thương 160 người và gây thiệt hại 3,5 tỉ USD.
(Ảnh: Nationalgeographic) |
Việc lấy đi hàng triệu tấn than ở Newcastle đã tạo ra nhiều ứng suất dẫn đến động đất tại khu vực này. Nhưng quan trọng hơn là việc bơm rút nước ngầm để giữ mỏ than khỏi bị ngập. Với mỗi tấn than được khai thác, các thợ mỏ cần rút lượng nước ngầm nhiều gấp 4,3 lần. Đối với những hoạt động khai khoáng khác, đôi khi người ta phải rút đến 150 tấn nước cho mỗi tấn khoáng sản.
Khai thác mỏ không phải là hoạt động duy nhất của con người có thể gây nên thảm họa động đất. Qua khảo cứu, Klose phát hiện hơn 200 trận động đất do con người gây ra, phần lớn xảy ra trong 60 năm qua. Đa phần là do đào mỏ, nhưng gần 1/3 là do xây dựng hồ nhân tạo. Hoạt động khai thác dầu khí cũng có thể dẫn đến động đất. Ba trận động đất gây thiệt hại lớn trên thế giới vào những năm 1976-1984, tất cả đều xảy ra ở khu khai thác khí tự nhiên Gazli của Uzberkistan từ năm 1976 đến 1984.
H.Q
Theo National Geographic, Báo Cần Thơ