Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới có nhiều quốc gia vẫn giữ được truyền thống múa rối đặc sắc, nhất là ở châu Á.
-
1
Rối nước, Việt Nam
Tới thăm Hà Nội, một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách trong nước và quốc tế là nhà hát múa rối Thăng Long, ngay gần hồ Hoàn Kiếm. Rối biểu diễn trên mặt nước và được điều khiển bởi những nghệ nhân phía sau tấm màn cánh gà. Những tích truyện trong rối nước thể hiện rõ nét đời sống, văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt được du khách nước ngoài yêu thích.
-
2
Rối bóng, Bali, Indonesia
Wayang Kulit hay rối bóng là một nghệ thuật cổ truyền lâu đời ở Indonesia và ngày nay trở thành một trong những điểm nhấn văn hóa hút khách ở hòn đảo du lịch Bali. Mỗi màn rối bóng có thể kéo dài 6 giờ hoặc nhiều hơn, dựa trên những tích cổ trong Hindu giáo. Các con rối bóng được làm từ giấy, gỗ tinh xảo đến từng chi tiết khiến người xem ai cũng trầm trồ, thán phục.
-
3
Bunraku, Nhật Bản
Bunraku là nghệ thuật múa rối truyền thống của Nhật Bản, còn được lưu giữ tới ngày nay. Các con rối khá lớn và được làm thủ công tinh tế. Mỗi con rối Bunraku cần tới 3 người để điều khiển các động tác nhuần nhuyễn. Mỗi năm, các vở rối Bunraku được diễn thường xuyên trong các rạp quốc gia ở Osaka và Tokyo.
-
4
Rối dây, Trung Quốc
Ra đời cách dây 2.000 năm, rối dây ở Hợp Dương, Trung Quốc được đánh giá là một trong những thể loại múa rối cổ xưa nhất. Đúng như cái tên của nó, những con rối vải được điều khiển bằng dây rất khéo léo, linh hoạt. Rối được điều khiển nhờ các kỹ thuật nhấc, kéo, xoay, đu đưa… của nghệ nhân đứng sau tấm vải sân khấu. Nội dung các vở rối giây thường liên quan tới các tích cổ về thời kỳ phong kiến ở Trung Quốc.
-
5
Rối đen, Mỹ
Rối đen là loại hình nghệ thuật đặc sắc đến từ nước Mỹ. Rối đen đòi hỏi kỹ thuật cực cao của người biểu diễn và dàn dựng bởi cần chú trong vào phông nền, ánh sáng. Nghệ nhân múa rối cùng xuất hiện với con rối trên sân khấu và chỉ được che khuất nhờ hiệu ứng ánh sáng, phông màn.