Với khả năng phát sáng và hòa lẫn với màu nước, một số loài cá mập trở nên vô hình hoàn toàn trước con mồi và kẻ thù.
Người Anh có câu tục ngữ: “Trái Đất hình cầu chứ không phải hình khối nên bạn không có góc nào để trốn”. Ở vùng nước mở cũng như vậy. Mọi sinh vật thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm trong quá trình sinh tồn.
Thế nhưng, vài loài cá mập đã giải quyết được vấn đề trên bằng cách trở nên “vô hình” đối với con mồi và kẻ thù, theo nghiên cứu mới vừa đăng trên tạp chí Experimental Marine Biology and Ecology.
Theo tiến sĩ Julien Cleas, nghiên cứu đã thống kê hơn 50 loài cá mập khác nhau, bằng 10% tổng số loài cá mập có khả năng phát sáng và tạo ra trò lừa bịp hình ảnh: do phát sáng, chúng gần như vô hình, tạo ra khả năng ngụy trang hòa nhập với màu nước.
Các nhà khoa học đã tập trung vào một loài cá mập phát sáng đặc biệt, đó là cá mập đốm bụng nhung, với biệt danh là bóng ma đi săn của vùng vịnh. Ánh sáng phát ra của loài cá mập xuất phát từ photophore nằm ở bên trong cơ thể chúng.
Hình ảnh chụp cho thấy khả năng phát sáng của loài cá mập đốm.
Nghiên cứu được tiến hành: những con cá mập đốm ở vùng vịnh Bergen (Nauy) được đưa tới trạm Hải dương Espeland. Khu vực này có điều kiện giống như môi trường sống của chúng: những bể cá lạnh và tối.
Ban đầu, các nhà khoa học đo cường độ phát sáng của mỗi con cá mập. Vài ngày sau, việc này được lặp lại sau khi họ đặt những thiết bị chiếu sáng phía trên bể cá để kiểm tra phản ứng của chúng với ánh sáng.
Ngay khi bị đưa vào bể cá, hầu hết những con cá mập đều tự động phát ra ánh sáng, kéo dài trong một vài giờ. Quang phổ ánh sáng đo được tương tự như ánh sáng chúng phát ra ở vùng nước sâu quê nhà.
Chúng có khả năng tự điều chỉnh mức độ phát sáng phụ thuộc vào sự thay đổi ánh sáng bên ngoài. Khả năng có được nhờ việc sử dụng mắt và tuyến nhỏ trên não nhằm giám sát thông tin về ánh sáng chiếu xuống từ phía trên.
Thêm nữa, miệng của hầu hết loài cá mập nằm ở phần dưới, theo nguyên tắc ngược sáng, nên kẻ thù hay con mồi khó nhận ra sự khác biệt. Điều này cho phép cá mập bắt được con mồi như các loài nhuyễn thể hay cá mà không hề bị phát hiện.
Cleas nhận xét: “Do nhiều loài kẻ thù của chúng có kiểu mắt hướng lên trên, loài cá mập sử dụng phương pháp ngụy trang tại vùng nước mặt trung tầm (300 – 1.000 m dưới mặt nước).”
Ngoài ra, khả năng phát sáng còn được những loài cá mập này dùng để thu hút những con khác giới. Tiến sĩ Claes nói: “Giao tiếp cũng là một phần chức năng của khả năng phát sáng. Một vài phần cơ thể của con vật trở nên sáng hơn ở cự ly gần, đặc biệt là phần xương chậu, nơi chứa các cơ quan sinh dục”.
Nhờ khả năng độc đáo, những loài cá mập phát sáng có khả năng sinh tồn cao hơn những loài khác, vì tránh được sự truy sát của kẻ thù cũng như tiếp cận con mồi dễ dàng.
Theo Báo Đất Việt