Bí mật đồng hồ sinh học của con người đã được các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tổng hợp Washington (Mỹ) khám phá.
Thông tin này được đăng trên tờ “Điện tín hàng ngày” của Anh số ra ngày 17/4.
Hiện tượng thay đổi múi giờ xảy ra trong các chuyến bay xuyên lục địa kéo dài khi nhiều người không thể nhanh chóng thích nghi với múi giờ mới và thường bị mất ngủ.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng quá mệt mỏi của cơ thể do thay đổi múi giờ diễn ra do xung đột bản chất giữa hai hình thái ngủ là ngủ sâu và ngủ nhanh, đồng thời xảy ra rối loạn hoạt động đồng hồ sinh học của con người, vốn phụ thuộc vào sự chuyển tiếp giữa ngày và đêm.
Tuy nhiên, nếu như hình thái ngủ thứ nhất, trong đó các tế bào nằm sâu trong não rất nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi múi giờ đột ngột, thì các trung tâm thần kinh của giai đoạn ngủ nhanh cần tới 1 tuần để thích nghi với thời gian biểu mới.
Các nhà khoa học cho rằng trong thời gian tới, họ có thể điều chế một loại thuốc đặc biệt giúp các tế bào thần kinh giai đoạn ngủ nhanh thích nghi nhanh hơn với điều kiện mới, nhờ đó nhiều người sẽ không bị chứng mất ngủ và mệt mỏi hành hạ sau những chuyến bay kéo dài./.
Theo TTXVN/Vietnam+