Ngược lên Bát Xát những ngày mùa lúa để ngắm cảnh đẹp quê hương nơi sông Hồng ‘đổ bộ’ đất Việt.
Theo những giai điệu Gửi em ở cuối sông Hồng, chúng tôi quyết định có một chuyến ngược dòng về với vùng Lũng Pô – Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai – điểm đầu tiên nơi con sông này chảy vào đất Việt.
Đây cũng gần như là chuyến đi giúp chúng tôi khám phá cung đường Lào Cai – Bát Xát. Đi tàu từ đêm hôm trước lên Lào Cai, theo tỉnh lộ 156 chúng tôi ngược lên Bát Xát những ngày đầu mùa lúa chín. Buổi sớm, người làm đồng đi trong mờ mờ sương phủ.
Bản nhỏ nằm giữa cánh đồng lúa ngát hương. Chỉ một tháng nữa thôi, nơi đây sẽ tấp nập cảnh gặt hái cho vụ mùa trù phú. Đồng bào Lào Cai nổi tiếng với hoạt động canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang. Con đường từ Bát Xát lên Lũng Pô uốn lượn men theo những bậc thang xanh.
Cột mốc biên giới 92 là điểm thiêng liêng đánh dấu nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, nằm ở địa bàn xã Lũng Pô, huyện Bát Xát. Cột mốc số 92 thuộc quản lý của đồn biên phòng Lũng Pô, nơi những chiến sĩ được người con gái phía cuối sông Hồng gửi đầy nhớ thương “Mà em thương anh chiều nay đang đứng gác, lo canh giữ đất trời, áo ấm có lành không, hỡi anh yêu người chiến sĩ biên thùy…”.
Chúng tôi đã xuống tận bãi sông, để tận mắt ngắm nhìn ở cự li gần nhất điểm con sông Hồng chảy vào đất bước tận tay chạm vào dòng nước giao giữa suối Lũng Pô và sông Hồng. Dòng nước thẳng màu đỏ là con sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống, dòng xanh bên phải là suối Lũng Pô, tiếng địa phương là Đồi con rồng lớn.
Toàn cảnh nơi dòng đỏ của sông Hồng và dòng xanh của suối Lũng Pô gặp nhau. Từ đây, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào, dòng nước nặng phù sa này từ nghìn năm trước đã tạo nên nền văn minh sông Hồng kỳ diệu.
Chia tay điểm đầu nguồn thiêng liêng của sông Hồng, chúng tôi tiến về Y Tý – một xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát chứa trong mình những cảnh sắc kỳ diệu từ thiên nhiên, mây, lúa và đặc biệt là cuộc sống đậm bản sắc của các dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao, Giay’. Đường lên Y Tý rất vất vả.
Chúng tôi đến Y Tý lúc 6 giờ tối, nhưng sương đã xuống nhiều. Sau khi tới đồn biên phòng Y Tý trình báo, được cô chủ nhà trọ tốt bụng chuẩn bị giúp bữa tối với những món ăn hấp dẫn đặc trưng vùng này như măng, gà đen, lợn bản… Chúng tôi nằm trên tầng 2 ngôi nhà sàn này lắng nghe giai điệu đêm của rừng núi. Sáng hôm sau, tất cả dậy sớm, để săn mây và đi chợ.
Kế hoạch “săn mây” Y Tý của chúng tôi kết thúc khá sớm để về tham gia buổi chợ phiên vùng cao đặc sắc nơi này. Ấn tượng nhất của chúng tôi về buổi chợ phiên này là ngát một màu xanh.
Ở Y Tý, phần đông tập trung người thuộc tộc Hà Nhì Đen – 1 trong 3 nhóm Hà Nhì sinh sống tại nơi đây. Nhóm Hà Nhì Đen có những nét văn hóa rất riêng như nhà trình tường 2 vòng, nhưng đặc sắc nhất phải kể đến lễ Tết Đông vào mỗi tháng 11 Âm lịch hàng năm. Cách phục sức của người Hà Nhì Đen cũng rất đặc biệt với hai màu đen, lam sẫm và những bím tóc hoặc giả tóc rất lớn trên đầu.
Ngoài người Hà Nhì, Y Tý còn là địa bàn sinh sống thuận hòa của một số dân tộc anh em khác như người Mông.
Đây là em bé người Mông đứng trước cửa mái nhà trình tường của mình. Tuy nhỏ, nhưng gương mặt em đã có nhiều nét cương nghị, hứa hẹn sẽ trở thành một dũng sĩ Mông xuất sắc tương lai.
Khi chia tay, chúng tôi đã hứa sẽ trở lại nơi này. Để lại được chạm tay vào dòng nước sông Hồng nơi địa đầu tổ quốc, để lại đi qua những cung đường lúa, và lại đi chợ phiên và được ngắm xem, em bé này đã lớn thế nào.