Theo dự báo của Đài Khí tượng Thuỷ văn Nam Trung Bộ, mùa khô năm 2007 ở tỉnh Khánh Hòa đã bắt đầu sớm ngay từ trung tuần tháng 12/2006 và sẽ kết thúc vào cuối tháng 8/2007.
Các tháng mùa khô này nhiều nơi ít có khả năng mưa, nơi có mưa thì lượng mưa không nhiều và sẽ thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 100- 200 mm. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm và gay gắt hơn nhiều năm với nhiều đợt nắng nóng kéo dài…
(Ảnh: BaoKhanhHoa) |
Hiện nay, tại các hồ chứa nước có quy mô lớn của tỉnh, lượng nước trữ được chỉ chiếm từ 25% đến 65% so với dung lượng thiết kế. Dòng chảy các sông đang ở mức thiếu hụt từ 20 đến 50% so với cùng kỳ trung bình nhiều năm. Vậy là Khánh Hoà sẽ có một mùa khô kéo dài đến 8 tháng trời, với mức độ đã được dự báo là nghiêm trọng.
UBND tỉnh đã quyết định xây dựng một con đập mới với quy mô bán kiên cố, nằm tại xã Vĩnh Ngọc vì con đập hiện có đã xuống cấp có thể ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt, khi mà mùa khô khốc liệt được báo trước… Công việc chuẩn bị khởi công đã vào hồi gấp rút, để đến cuối tháng 3/2007, con đập mới đã có thể đảm trách kịp thời chức năng ngăn mặn.
Tại các xã Vạn Thọ, Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh), nơi có tuyến đê dọc biển có hiện tượng xuống cấp khiến tình trạng xâm thực và xâm nhập mặn từng diễn ra lâu nay, ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp. Với quy hoạch vùng ven biển chưa ổn định, không thể đầu tư xây dựng đê ngăn mặn theo quy mô lớn, tỉnh Khánh Hoà đã cho huyện Vạn Ninh cơ chế xem xét cụ thể từng vùng, từng tuyến đê để chủ động bố trí vốn đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa theo quy mô phù hợp và bằng nguồn vốn đã được phân cấp.
Việc thiếu nước sản xuất cho các xã Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc (huyện Ninh Hoà) là do hệ thống kênh mương đến các vùng này chưa đảm bảo. Tỉnh Khánh Hoà đang triển khai dự án kiên cố hoá hệ thống kênh mương tại đây với dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa mùa khô để kịp “chữa khát” cho lúa và hoa màu. Tại huyện Vạn Ninh thì lại khác, người dân tỏ ra bức xúc khi hồ chứa nước Hoa Sơn đã được khởi công từ đầu năm nay, nhưng sau đó việc xây dựng đều đình trệ. Ở thị xã Cam Ranh, qua thu thập ý kiến từ các đợt tiếp xúc cử tri của các đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, người dân tại nhiều địa phương đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà máy cấp nước sinh hoạt phía bắc thị xã Cam Ranh; hàng loạt dự án xây dựng các hồ chứa nước: Sông Cạn, Tà Rục, Tà Lua…
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số Rắc Lây ở đây lại đặt lên hàng đầu nỗi lo trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Vấn đề này khiến Sở NN & PTNT vừa qua đax phải tiến hành một đợt tổng kiểm tra toàn bộ số công trình cung cấp nước do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư xây dựng trên địa bàn này. Trong tổng số 6 hệ thống cấp nước tập trung, 51 giếng khoan, 70 giếng đào…, những công trình nào chưa đạt yêu cầu đều được lên kế hoạch khắc phục trong thời gian sớm, nhằm phục vụ cho dân sinh sống tại vùng khó khăn này.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Nam Trung bộ, để đối phó với mùa khô hạn gay gắt trước mắt, tỉnh Khánh Hoà cần chủ động với các biện pháp quản lý và sử dụng các nguồn nước hợp lý, tiết kiệm… tại từng địa phương đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng chống hạn hán ngay từ bây giờ, đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng. Khánh Hoà đã làm được nhiều việc, nhưng trước một mùa khô hạn nặng, công tác phòng chống hạn vẫn còn ngổn ngang.
Tiên Minh
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường