Khe nứt Menominee ở bang Michigan, Mỹ, có thể xuất hiện sau khi một thân cây bị di dời khỏi khu vực chỉ vài ngày trước vụ lở.
Menominee là tên khe nứt dài 110 m trên nền rừng ở khu vực cùng tên thuộc bang Michigan, Mỹ. Khe nứt xuất hiện vào ngày 4/10/2010. Các nhà khoa học tin rằng khe nứt có thể là kết quả của hoạt động địa chất mang tên pop-up.
Khe nứt dài 110 m xuất hiện ngày 4/10/2010 trong khu rừng ở Michigan, Mỹ. (Ảnh: Wayne Pennington/ Đại học Công nghệ Michigan.)
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Hiệp hội Địa chấn học Mỹ, các nhà khoa học lần đầu tiên công bố các bước nhằm tìm hiểu nguồn gốc của khe nứt. Theo nhóm nghiên cứu, khe nứt do hoạt động pop-up gây ra, trong đó, những sông băng nặng đè lên tầng đá gốc, tạo ra đường nghiêng khổng lồ ở vỏ Trái Đất, tương tự như trò chơi bập bênh chỉ có người ngồi ở một đầu.
Các nhà địa chất học sử dụng quá trình tên địa chấn khúc xạ để đưa ra kết luận. Quá trình này đo sóng năng lượng truyền qua lớp vỏ Trái Đất. Họ nhận thấy sóng địa chấn di chuyển chậm khi truyền qua lớp đá vỡ và nhanh hơn khi không gặp khoảng trống trên đường đi. Nếu khe nứt sinh ra do hoạt động pop-up, phản ứng tương tự sẽ được phát hiện.
Tuy nhiên, nếu giả thuyết của nhóm nghiên cứu đúng, đây sẽ là khu vực duy nhất xảy ra hoạt động pop-up mà không có tác nhân kích hoạt quan trọng như đất đá nặng bị di dời khỏi hầm mỏ gần đó.
Sau khi đào xới, các nhà khoa học tìm ra cách giải thích hợp lý cho hoạt động pop-up. Họ phát hiện một thân cây 2.000 kg được di dời khỏi khu vực chỉ vài ngày trước khi khe nứt xuất hiện. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, thân cây lớn gây ra sự thay đổi trọng lượng rất nhỏ, nhưng nó tác động đến tầng đá dưới lớp đất bề mặt.
“Có 60 % khả năng lời giải thích chúng tôi đưa ra là đúng. Nhưng do chúng tôi chưa gặp sự việc nào tương tự, và cái cây chỉ gây ra ảnh hưởng nhỏ, chúng tôi không biết còn tác nhân nào khác không“, Wayne Pennington, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Theo VnExpress