Băng tại Greenland – một tỉnh tự trị của Đan Mạch, giữa Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương – đang tan với tốc độ kỷ lục trong năm nay, cao nhất kể từ năm 1979 khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi.
“Lượng băng tan tương đương với gấp đôi toàn bộ lượng băng trên dãy Alps ở châu Âu, hoặc tương đương một lớp nước sâu hơn 800m bao phủ Washington DC của Mỹ”, nhà khoa học Konrad Steffen của Đại học Colorado (Mỹ) so sánh.
Theo hãng tin Reuters, sử dụng các dữ liệu từ các vệ tinh quân sự và thời tiết để thấy vị trí băng tan, Steffen và các cộng sự theo dõi các lớp băng đang ngày càng mỏng đi nhanh. Qui mô của khu vực tan băng rộng hơn 10% so với
1/20 lượng băng trên thế giới “đóng đô” ở Greenland (Ảnh: AP) |
kỷ lục hồi năm 2005. Greenland – hòn đảo lớn nhất trên thế giới với hơn 50.000 dân sinh sống – có diện tích bằng 1/4 nước Mỹ và 80% diện tích được bao phủ bởi băng. Nếu băng ở Greenland tan hết, mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6,4m.
Theo các nhà khoa học tại cuộc gặp Hiệp hội địa vật lý Mỹ ở San Francisco, nhiệt độ không khí trên các lớp băng đã tăng khoảng 3,90C kể từ năm 1991, phần lớn vì khí gây hiệu ứng nhà kính tăng nhiều hơn trong không khí. Thông tin xấu này càng khiến các nhà khoa học bi quan hơn về tình trạng của Bắc cực.
* Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters cho biết các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Bali (Indonesia) đang bế tắc do các nước chưa tìm được tiếng nói chung về một chi tiết trong lộ trình Bali (bản tuyên bố sau cùng dự kiến đưa ra vào ngày kết thúc hội nghị 14-12). Chi tiết này đề cập các nước giàu cần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính 25-40% vào năm 2020, so với mức năm 1990.
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Harlan Watson nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn các con số”, và cho rằng tỉ lệ 25-40 % dựa trên nhiều số liệu “không chắc chắn” và một số ít các nghiên cứu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC – vừa đoạt giải Nobel hòa bình năm 2007).
KHỔNG LOAN
Theo Tuổi trẻ