Khi chim thật “quật” ngã “chim sắt”

Khi chim thật

Tính từ năm 1988 đến nay, ngành hàng không dân dụng đã có 219 người thiệt mạng và 52 chiếc máy bay các loại bị rơi do đâm va với chim.

Nhìn một chiếc máy bay chở khách to như chiếc Boeing 777 hay Airbus A350 nặng hàng trăm tấn lướt trên trời cao, vững vàng vượt qua gió mưa, sấm sét, không ai nghĩ rằng thứ chúng sợ nhất là loài động vật mà con người đã học hỏi để đưa mình lên không trung: những con chim.

Bầu trời tuy rộng lớn thế, cứ tưởng “đường ai nấy bay”, nhưng chuyện chim đâm vào máy bay hay bị hút vào động cơ máy bay xảy ra khá thường xuyên. Thuật ngữ hàng không tiếng Anh gọi là bird strike (chim đâm va), bird ingestion (bị hút vào động cơ).

Gây tai nạn chết người, thiệt hại 1,2 tỉ USD/năm

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO – International Civil Aviation Organization) cho biết trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2014, trên toàn thế giới đã xảy ra 65.139 vụ chim “đụng” máy bay, trung bình mỗi năm có hơn 16.000 vụ.

Riêng ở Mỹ, số vụ đâm va ngày càng tăng, năm 1990 có 1.851 vụ thì đến năm 2014 đã tăng lên 7,4 lần với 13.668 vụ được ghi nhận. Theo các nhà điều tra, do có nhiều trường hợp không gây tổn hại, phi công không trình báo sự việc nên con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Hàng năm các vụ va chạm này gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hãng hàng không quốc tế đến 1,2 tỉ USD, riêng ở Mỹ là 400 triệu USD.


Chim làm rơi máy bay của nhà phi hành tiên phong Cal Rodgers vào năm 1912.

Tai nạn hàng không đầu tiên do chim gây ra làm chết người được ghi nhận vào năm 1912. Chiếc máy bay cánh quạt sơ khai của nhà phi hành tiên phong người Mỹ Cal Rodgers đã đâm vào một đàn chim mòng biển làm kẹt hệ thống dây cáp điều khiển. Máy bay bị rơi xuống vùng biển Long Beach, bang California làm Rodgers thiệt mạng.

Năm 1960, một chiếc máy bay hành khách 4 động cơ cánh quạt Lockheed L-188 Electra của hãng Eastern Air Lines lúc vừa cất cánh thì va chạm với một đàn chim sáo đá, cả 4 động cơ đều hỏng làm chiếc máy bay đâm xuống bến cảng Boston làm chết 62 người.

Trên phạm vi toàn thế giới, tính từ năm 1988 đến nay, ngành hàng không dân dụng đã có 219 người thiệt mạng và 52 chiếc máy bay các loại bị rơi do đâm va với chim.

Giới quân sự cũng không tránh khỏi tai họa này. Không quân một số nước phương Tây ghi nhận từ năm 1959-1999 đã có 141 người thiệt mạng và 283 chiếc máy bay bị rơi vì nguyên nhân tương tự.


Một vụ chim đâm va máy bay – (Ảnh: Aviationabove.com).

Riêng Không quân Hoa Kỳ, chỉ tính từ 1987-1991 đã có 14.000 vụ chim đâm va máy bay quân sự làm 5 phi công thiệt mạng, 5 bị thương nặng và rơi 5 chiếc chiến đấu cơ và oanh tạc cơ phản lực, gây tổn thất vật chất bình quân 59 triệu USD/năm.

“Đụng” từ trên cao xuống thấp

Các máy bay thường hay bị chim đâm va nhiều nhất là lúc cất hay hạ cánh ở độ cao thấp. Tuy vậy cũng có một số vụ đâm va xảy ra ở rất cao từ 6.000-9.000m cách mặt đất vì một số loài như ngỗng đầu sọc châu Á có thể bay cao đến 10.000m, chim kền kền Ruppell bay cao 11.300m.

Theo thống kê của ICAO, 90% số vụ đâm va xảy ra ở gần sân bay, trong đó 61% số vụ ở độ cao chỉ 30m trở xuống. Vị trí va chạm phổ biến nhất là ở mũi, bìa trước cánh, động cơ.

“Thủ phạm” chủ yếu là các loài chim thiên di to con bay theo đàn như ngỗng trời, bồ nông, kền kền, mòng biển, vịt trời và những loài nhỏ xác hơn như bồ câu, chiền chiện…

Mùa xuân và thu – thời điểm di cư của các loài chim thiên di, thường vào ban đêm ở độ cao 150m, là xảy ra nhiều vụ đâm va nhất.

Tác động của các vụ đâm va này tùy thuộc vào vận tốc bay, hướng bay của chim và máy bay (bay song song hay đối đầu) cũng như trọng lượng con chim.

Theo tính toán, trong trường hợp một con chim nặng 1,8kg đâm trực diện vào một chiếc máy bay đang cất cánh với vận tốc 300km/h thì xung lực tác động lên máy bay là khoảng 4 tấn. Tuy vậy, chỉ có 15% vụ đâm va là gây hư hại cho máy bay. Nếu máy bay đâm va vào nguyên cả một đàn chim thì mức độ hư hại sẽ rất lớn.

Nhưng sự va chạm đáng lo nhất là chim bị hút vào động cơ máy bay. Do thiết kế của loại động cơ phản lực tua-bin cánh quạt (turbo fan), khi một con chim bị hút vào và va đập với các cánh quạt nhỏ đang quay với tốc độ rất cao, nó sẽ gây hư hỏng các cánh quạt làm động cơ ngưng hoạt động.

Nguy hiểm nhất là các vụ chim bị hút vào động cơ lúc máy bay đang cất cánh và sắp hạ cánh. Tại thời điểm này, vận tốc của máy bay thấp và cao độ gần mặt đất nên dễ xảy ra nguy cơ là phi công không có đủ thời gian tăng tốc, máy bay bị mất lực nâng và rơi xuống.

 

Theo Tuổi Trẻ