Khí CO2 làm cá phát điên

Lượng khí CO2 mà loài người thải vào khí quyển ngày một tăng, làm ảnh hưởng tới não và hệ thần kinh của cá biển, tác động tới sự sống còn của chúng.

 >>>Thu giữ CO2 từ không khí không khả thi

Giáo sư Philip Munday, Trung tâm nghiên cứu rạn san hô và Trường ĐH James Cook cho biết: Nồng độ cacbon dioxit vào cuối thế kỷ này tăng đến mức sẽ can thiệp vào các khả năng nghe, ngửi, quay đầu và xua đuổi những loài ăn thịt của các loài cá dưới biển khơi.

“Trong nhiều năm, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã thí nghiệm tác động của lượng cacbon dioxit hòa tan với nồng độ cao lên những con cá con của những loài cá sống ở rạn san hô và thấy rất rõ ràng nó gây ra một sự rối loạn lớn đến hệ thần kinh trung ương của chúng, làm tỷ lệ sống sót của chúng bị giảm nghiêm trọng”, Munday nói.


Lượng khí CO2 tăng lên ảnh hưởng tới hệ thần kinh của các loài cá.

Trong một công trình khác, đăng trên Tạp chí Nature Climate Change, ông và các đồng nghiệp lần đầu tiên trên thế giới thông báo nồng độ khí CO2 trong nước biển hủy hoại những thụ quan chủ yếu của não cá, can thiệp vào những chức năng truyền dẫn thần kinh, gây ra sự thay đổi tập tính cũng như khả năng các giác quan của chúng. Khả năng nhận biết mùi giảm đi (nếu không muốn nói là bị tê liệt hẳn), chúng khó phát hiện hơn sự tiến gần và tấn công của các loài cá dữ để lẩn tránh.

Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra khả năng “nghe” của chúng – xác định sự định vị trong không gian, giúp chúng trở về nơi trú ẩn trong rạn san hô có bị ảnh hưởng không. Câu trả lời là “có”. Chúng thường xuyên bị lạc đường và bị va vấp vào san hô ngay cả giữa ban ngày.

Một công trình khác chứng tỏ rằng cá có khuynh hướng mất bản năng quay sang trái hoặc sang phải, khiến chúng trở nên ngờ nghệch dễ bị các loài cá dữ bắt để ăn thịt.

“Tất cả nhưng điều đó làm chúng tôi nghi ngở rằng nồng độ cacbon dioxit cao đã tác động đến toàn bộ hệ thần kinh trung ương của cá” – giáo sư Philip Munday kết luận. Ông cho rằng các động vật sống dưới nước, chủ yếu là loài giáp xác và hầu hết loài cá, bình thường nồng độ CO2 trong máu thấp nên khi nồng độ này tăng lên, chúng rất dễ bị tác động.

Theo các số liệu, khoảng 2,3 tỷ tấn CO2 mà loài người thải ra hàng năm hòa tan trong nước đại dương, gây ra sự thay đổi môi trường hóa học của nước, nơi sinh sống của cá và các loài thuỷ sinh khác.

GS Munday nói: “Chúng ta từng biết hiện tượng axit hóa đại dương phá hủy lớp vỏ đá vôi của các loài giáp xác, còn bản thân CO2 hòa tan như hiện nay lại có tác dụng hủy hoại hệ thần kinh của cá”.

Công trình nghiên cứu còn chỉ ra rằng những loài tiêu thụ nhiều oxy bị tác động lớn nhất và thật không may, đó lại chính là các loài cá quan trọng, đối tượng đánh bắt của công nghiệp thủy hải sản.

 

Theo Vietnamnet