Chúng ta đã nghe đi nghe lại những “điệp khúc” quen thuộc đến mức trở thành điều mặc định: “Con cái là hạnh phúc, là kết tinh tình yêu, là sợi dây gắn bó tình cảm vợ chồng, là tất cả đối với cha mẹ”, rằng “có con hạnh phúc lắm, vui lắm,…” hay “vợ chồng không hòa thuận à, cãi nhau ư, chồng không trách nhiệm á,… chẳng sao, ly hôn làm gì, cứ đẻ đứa con ra là đâu vào đấy hết!”. Vân vân. Và vì những điều được coi là “mặc định” đó, rất nhiều người mẹ đã quyết định, đã cố gắng sinh con để hàn gắn, để níu kéo cuộc hôn nhân trục trặc của mình. Và rồi, có không ít đứa trẻ được sinh ra với mục đích trở thành “công cụ” níu kéo hạnh phúc của bố mẹ như thế. Có nên chăng? – Ngay cả trong trường hợp mục đích đó thành công hay thất bại, để rồi không ít đứa trẻ lớn lên vẫn chỉ có cha hoặc mẹ, không ít đứa con luôn bị chì chiết mỗi lần bố/mẹ “không vui”.
Chuyện đâu có gì xa lạ, bởi chẳng thiếu cảnh người ta lôi nhau ra tòa li dị cùng với những đứa con vẫn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, những ánh mắt buồn rũ, những bờ vai nhỏ xíu bơ vơ,… Đau lòng nhất là những cảnh đưa đẩy: “Con anh đấy, anh phải có trách nhiệm nuôi nó!” – “Ơ, cô đẻ ra nó cơ mà, cô đi mà nuôi!”. Vậy đấy, trong trường hợp đó thì con cái là hạnh phúc, là “sợi dây kết nối”, là niềm vui, là tình yêu của cha mẹ, hay là gì? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những khẳng định “chắc nịch” rằng: “Con cái mới gắn bó được vợ chồng, chứ không có con thì còn gì là hạnh phúc?”. Ai sẽ là người bù đắp tình cảm cho những đứa trẻ sinh ra với mục đích trở thành “công cụ” đó?
Phải, chẳng có gì sai khi nói rằng trẻ con luôn đáng yêu, chúng là niềm vui, là những gì quý giá, quan trọng nhất với cha mẹ. Nhưng đó là khi chúng được sinh ra bằng tình yêu chồng vợ, bằng mong muốn gắn bó, yêu thương; và chúng xứng đáng được sinh ra trên nền tảng ấy. Chẳng có lý do gì bắt những đứa trẻ vô tội, ngây thơ phải “gánh” một trách nhiệm quá nặng nề là hàn gắn bố mẹ chúng ngay từ khi phôi thai mới hình thành, điều đó quá bất công với chúng. Để rồi, nếu may mắn cuộc hôn nhân ấy tốt đẹp lên thì mừng (dù những đứa trẻ sẽ chẳng vui vẻ gì khi biết chúng được sinh ra với mục đích nặng nề kia); bằng không, khi tình chồng nghĩa vợ đã cạn, đã chẳng thể hòa hợp được nữa thì đứa con sinh ra chỉ khiến mọi chuyện thêm khó chịu, phiền phức, và cái kết tan vỡ có khi lại đến sớm hơn. Đứa trẻ được sinh ra như thế, sẽ tội nghiệp lắm…
Thế nên, trước khi quyết định sinh ra một đứa trẻ, hoặc trước khi khuyên người khác nên sinh con, đẻ cái, mỗi chúng ta hãy suy xét thật kĩ lưỡng thay vì cứ dựa vào những quan niệm cố hữu mà nhiều người cho là đúng xưa nay. Một đứa trẻ, chỉ nên được sinh ra từ tình yêu thương, có thể là tình yêu giữa cha và mẹ, hoặc đơn giản là từ tình yêu thương 1 người mẹ đơn thân cũng chẳng có gì sai, nhưng chúng không bao giờ nên được sinh ra với một “trách nhiệm” phải ép buộc gánh vác kiểu: “Nó sẽ là sợi dây hàn gắn bố mẹ, có đứa con để nương tựa lúc về già, có đứa con để bầu bạn cho đỡ buồn,…”. Trẻ con sinh ra là để được yêu thương, được hạnh phúc, được chăm sóc để lớn lên chứ không phải để oằn mình gánh vác trách nhiệm hay thực hiện bất cứ mục đích nào; và 1 người mẹ như thế là nhẫn tâm, ích kỉ và có lỗi với con!
Quan điểm là của mỗi người, cách nhìn nhận mỗi người mỗi khác, chúng ta không có quyền lên án. Thế nhưng, áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác lại là điều vô cùng khó chấp nhận. Mỗi người mỗi hoàn cảnh sống, một cách suy nghĩ khác nhau. Con cái với nhiều người là hạnh phúc vô bờ bến, là niềm vui khôn cùng, nhưng với người khác biết đâu lại không như vậy. Lời khuyên chỉ đúng đắn khi chúng ta đứng trên vị trí, hoàn cảnh của người được khuyên mà nhìn nhận, đánh giá và cảm nhận, chứ đừng bao giờ “bê” nguyên xi hoàn cảnh, suy nghĩ của mình để áp dụng cho mọi trường hợp khác và ngược lại.
Đừng bao giờ sinh ra một đứa trẻ mà không chắc rằng mình sẽ yêu thương con hết lòng, sẽ làm con hạnh phúc!
Nguyệt Nga
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.