Tôi có một học trò đặc biệt. Con bé 15 tuổi, bị béo phì, luôn ngồi góc lớp với khuôn mặt buồn bã. Nó ăn rất nhiều và gần như thèm ăn suốt cả ngày. Ngay trong hồ sơ nhập học, gia đình đã khẳng định nó có biểu hiện “tự kỷ” và “rối loạn cảm xúc”. Tôi không biết họ đã đưa nó đi khám ở đâu và những kết luận này đến từ bệnh viện nào, nhưng hầu như không ai quan tâm đến những giấy tờ chứng thực, bởi lẽ biểu hiện của nó, chỉ cần quan sát bên ngoài đã quá rõ ràng. Thường thì các nhà trường vẫn nhận đào tạo những học sinh như thế này, sau khi cho chúng làm một bài kiểm tra khảo sát, chỉ cần đạt mức điểm trung bình là có thể theo học. Hàng ngày, sinh hoạt trong nội trú, con bé bị bạn bè xa lánh vì tính cách thất thường, nó hay khóc rất vô cớ và khi thì yếu đuối quá mức, khi thì cáu giận lôi đình. Điều ngạc nhiên là con bé này học không hề kém, nó nhận thức rất nhanh, mọi việc chúng tôi hướng dẫn, trao đổi nó đều nắm bắt và triển khai tốt trong bài thi. Có điều, ở nó cũng có sự cẩu thả đặc biệt cho những phần kiến thức nó “không ưa”. Luôn là vậy, nó chỉ luôn học những phần nó thích, sẵn sàng nghiên cứu rất sâu, nhưng lại không có cả sự đối phó tối thiểu cho những phần kiến thức theo nó là “không hấp dẫn”. Tôi dạy văn, và nhận ra không nhiều những học sinh có những cảm xúc và rung động chân thành như con bé. Có điều, mỗi khi chấm bài thu hoạch của học sinh này, có lúc tôi cảm thấy hạnh phúc đến “toát mồ hôi trán” bởi những ý kiến sâu sắc, những sự tham khảo công phu; nhưng cũng có khi không thể giấu nổi sự bực bội cho những phần bỏ lửng và những lời tâm sự ngoài lề rất ngô nghê và không liên quan, kiểu như “em bị viêm amidal nên không muốn học bài”,…
Từ khi cô giáo chủ nhiệm của lớp học có em học sinh này nghỉ sinh con, tôi phải nhận chủ nhiệm kèm thêm lớp của chị ấy, vậy là nhận 2 lớp cùng một lúc. Giữa sự bận rộn của guồng quay công việc, tôi quả thật không có nhiều thời gian cho em. Khi có công việc, tôi triển khai cho cán bộ lớp và các em tự kiểm tra, giám sát công việc của mình. Gần đây, nghe các học sinh trong lớp báo cáo việc em học sinh nữ “có vấn đề” này bắt đầu biết yêu. Em yêu đơn phương cậu bạn rất bảnh trai cùng lớp, và thường xuyên sang phòng nội trú nam ngồi “mọc rễ”, đến nỗi cậu bạn kia hoảng hốt, phải sang phòng bên cạnh để “lánh nạn”, vậy mà em vẫn kiên quyết ngồi chờ. Chưa kể đến việc, chỉ cần bất cứ bạn nam nào trong trường nhắn tin, đánh tiếng trêu chọc em, là em đều như có một lòng tin chắc chắn là bạn đó đang “thầm yêu trộm nhớ” đến mình, và sẵn sàng quan tâm, giúp đỡ, thậm chí là kiểm soát bạn trai đó như thể “đóng dấu bản quyền”. Các em học sinh khác trong lớp, vốn tính tếu táo, trẻ con nên đem chuyện này ra chế giễu, mỉa mai khiến học sinh nữ kia càng buồn, bỏ về phòng khóc lóc rồi lại gây gổ với các bạn nữ khác, và cãi cọ. Tôi quyết định gặp riêng em.
Em đến gặp tôi với một tác phong rất tự tin và có phần háo hức (?!), hoàn toàn không giống với vẻ lo lắng của các em học sinh khác khi bỗng nhiên có một giáo viên “sờ gáy”. Em ngồi bên tôi và nói một mạch về sự… hâm mộ dành cho tôi?! Hóa ra em đã quan tâm và biết về tôi nhiều hơn tôi nghĩ, về việc tôi vẫn làm thơ, đăng lên facebook cá nhân, đến chuyện tôi rất cá tính và ưa thích những bài hát độc đáo kiểu dân gian hiện đại. Về việc em rất thích cách tôi phân tích tác phẩm và rất thích ngắm khuôn mặt tôi say sưa trong giờ giảng của mình… Tôi không kịp chen vào câu chuyện của em, đành để em nói một mạch, rồi câu nói đầu tiên sau cái tràng dài ấy, em than thở: “Bố mẹ em phong kiến lắm cô ạ, cứ hay mắng em”. Hình như, đối với tâm trí em, tôi tuyệt đối không phải người xa lạ, tuyệt đối không phải người để em sợ sệt hay giữ gìn khoảng cách. Trong suy nghĩ của em, em hoàn toàn tự tin rằng tôi sẽ lắng nghe và chia sẻ với em. Em hoàn toàn không hề có chút lo sợ rằng tôi sẽ mắng mỏ em, thậm chí em cũng chẳng nghĩ rằng em đã làm gì sai. Tôi thực lòng không hiểu, tại sao tôi lại có cảm giác này, cảm giác về một đứa trẻ quá mức hồn nhiên, trong sáng, quá mức sinh động và lung linh với những cảm xúc riêng của mình, chứ không phải đứa trẻ làm bố mẹ đau khổ như những gì tôi và mọi người vẫn nghĩ. Có vẻ, hình như chỉ là em chưa được yêu thương thôi, chỉ là em không nhận được đủ những vòng tay ấm áp, hình như gia đình có điều gì đó khiến đứa trẻ nhạy cảm như thế này bất an… Như tôi đã nói, tôi không biết vì sao mình nghĩ vậy. Em có cha mẹ, gia đình bề thế và giàu có. Em được đưa đến đây bằng chiếc “xế hộp” tiền tỉ của gia đình. Và các thầy cô giáo vẫn thấy mẹ em đến thăm em, người phụ nữ tươi tắn, nhẹ nhàng, bà chu đáo đến mức mua cả hoa quả tặng cho bác bảo vệ khu nhà nội trú em đang ở.
Tôi ngồi lặng hồi lâu rồi đứng dậy, rót thêm cho em cốc nước. Tôi thực sự quên mất rằng mình nên bắt đầu từ đâu để trách phạt em chuyện em cứ lân la sang khu nội trú nam. Cũng không biết nên giải thích như thế nào với em về chuyện làm bài thu hoạch nên đầy đủ yêu cầu mới mong đạt điểm cao. Có vẻ em đã bình tĩnh hơn, tôi đành hỏi: “Vậy, em có gì cần tâm sự với cô không”?
Có vẻ như em không muốn nói, hoặc là không dám nói. Em chỉ ngồi trầm ngâm rồi bảo: “Cô ơi, em thích ở cạnh một người như cô. Cô cho em bé nhà cô nghịch nước thoải mái mà không mắng nhỉ?”. Tôi cười phì, con gái tôi 3 tuổi, thích lấy nước đổ đầy chiếc ấm nhôm rồi đi rót vào thật nhiều những chiếc cốc nhựa, dàn hàng ngang, y như cô đầu bếp ở trường mẫu giáo của con bé. Chuyện này chắc chắn em học sinh kia đã biết vì tôi có post hình lên facebook. Tôi đành nói với cô học trò đặc biệt cuả mình: “Ừ, khi nào nghỉ thì lên nhà cô, chơi cùng em bé nhé!”. Nói rồi, tôi để con bé đi về mà thật sự không rõ mình đang rơi vào cảm giác gì. Mọi thứ lẫn lộn và mọi ý tứ trong đầu tôi nhảy nhót, hoang mang.
Cô giáo chủ nhiệm cũ của con bé, hiện đang nghỉ sinh con thì chỉ nói với tôi: “Ôi quan tâm làm gì, cái con bé ấy mẹ nó cũng tâm sự là gia đình cũng đành mặc kệ nó thôi. Được ra sao thì được chứ nó đâu có bình thường đâu”.
Không khó để tôi tìm gặp mẹ của học sinh này. Bà xinh đẹp, nhẹ nhàng và sang trọng. Bà nói với tôi về quá trình học tập của con mình, rằng trước khi đến trường của chúng tôi thì con bé đã phải nghỉ học ở hai trường trước đó, chuyện này đã ghi rõ trong hồ sơ. Chung quy là vì nó rất lười học, trong lúc các bạn ngồi trong lớp ghi bài thì nó gần như để những cuốn vở trống trơn. Mẹ nó kể rằng cô giáo rất ghét nó, bạn bè cũng không ai chơi với nó. Nó ăn suốt ngày, thường ăn vụng và không thể kiểm soát được cân nặng. Đồ đạc thì vô cùng bừa bãi và bố mẹ đã rất mất công chấn chỉnh nhưng không hề có tác dụng gì. Có vẻ như mẹ của em học sinh ấy nghĩ tôi đến để trách cứ con bà nên bà gần như van xin tôi đừng cho con gái bà nghỉ học, dù nó đã vi phạm lỗi gì cũng xin tôi “thương tình”. Việc tìm hiểu thông tin của tôi gần như bế tắc. Tôi trở về trường và quyết định tìm hiểu từ chính em học sinh đó. Tôi muốn nghe em ấy nói những gì em nghĩ và em cảm nhận, về lý do của những điều bất ổn trong em.
Và không khó để em nói với tôi. Hình như sau cuộc gặp lần trước, em cũng đã có ý chờ tôi đến tìm em. Em kể, gia đình em không hề bình ổn như những gì trông thấy. Em nói với tôi rằng bố em là một người đàn ông vô cùng gia trưởng, vũ phu, ông đánh đập em và mẹ em rất nhiều lần. Đánh nhiều đến mức em đã từng nằm viện vì những vết thương do bố mình gây ra. Mẹ thì đau đớn rất nhiều nhưng mẹ không bao giờ nói ra và không cho ai nói. Em bảo, ngoài chuyện đánh đập, bố cũng rất cục súc và thường xuyên chửi bới. Em nói, em cô đơn khủng khiếp và luôn mong ước có một người yêu thương. Em ghen tị với những cô bạn, cậu bạn có bạn trai/bạn gái ở bên cạnh, ghen tị vì họ được chiều chuộng, chăm sóc, khóc lóc hờn dỗi và dỗ dành. Em bảo, mẹ em về làm dâu trong sự đay nghiến, khinh rẻ của bà nội. Em nói, sự ra đời của em không hề được gia đình bên nội chào đón, em không nhận được tình yêu thương của bố mình cũng như các cô và họ hàng bên nội vì họ cầu mong có một đứa cháu trai. Vốn dĩ nhạy cảm, em hiểu biết rất sớm hoàn cảnh đặc biệt của gia đình mình, hiểu cả những ý tứ khó chịu trong cách diễn đạt của họ hàng bên nội. Em hiểu hết nhưng em đơn độc quá vì mẹ em, vốn bị hành hạ quá lâu lại trở thành người đàn bà “chai sạn”. Tôi bàng hoàng trước cách em dùng từ “chai sạn”. Em bảo, mẹ đi làm với sự tĩnh lặng yên ả, không phải lo nghĩ gì về kinh tế, không bao giờ cần tranh chấp với ai nên ai cũng khen mẹ là người hiền hậu. Về nhà, quen phải im lặng với bố nên hầu như mẹ không bao giờ có tiếng nói gì. Khi bố đánh mẹ thì mẹ khóc và xin. Khi bố đánh em, mẹ cũng chẳng thể làm gì cả, mẹ cứ quanh quẩn với những công việc nhà mặc kệ cho bố đánh em. Có hôm bố đánh em bật máu nhưng mẹ đã đóng cửa phòng ngủ và ngủ rất say. Khi em tủi thân quá, em nói ra thì mẹ bảo, tốt nhất em hãy lo cho yên ổn chuyện của mình đi, em học dốt thế, bừa bãi thế bố đánh thì phải chịu. Em nói, em biết rằng em không ngoan nhưng có cái gì đó trong tâm trạng khiến em không làm chủ được mình. Em trầm cảm và ăn rất nhiều đồ ăn như nước ngọt có gas và bánh ngọt, đồ ăn nhanh. Em hoảng loạn đến nỗi mất tập trung và trong lớp không ghi bài được vì tâm trạng luôn trong cơn bí bách. Vì em luôn sợ hãi và cô đơn vô cùng. Em nói em không hề trách mẹ, cũng không phải mẹ là người độc ác. Chỉ là mẹ đã quá đơn giản, mẹ không giải thích được chuyện một đứa trẻ có những sai sót và chuyện đánh đập nó quá mức là hai việc khác nhau. Có đôi khi bản năng và nỗi xót xa cho con cái bùng lên, thì mẹ cũng không thể làm gì được bố vì chính mẹ cũng bị bố đánh đập thường xuyên.
Tôi bàng hoàng, cảm giác gai lạnh chạy dọc sống lưng. Điều gì đang ở đây vậy, một đứa trẻ thấu hiểu, khôn ngoan, tư duy cực kỳ logic và mạch lạc. Câu chuyện của nó quá hợp lý về tình tiết cũng như có cách giải thích quá hợp lý về nguyên nhân. Một là đứa trẻ này đang nói dối. Hai là những người lớn đã vô cảm đến độ nhẫn tâm và tàn ác.
Về sau, tôi tìm đến để gặp được hai bác của con bé, tức là anh trai và chị dâu của mẹ em. Hai người đã xác nhận với tôi rằng những gì em nói ra là hoàn toàn sự thật, và thậm chí đó vẫn chưa phải là tất cả. Bố em là một người đàn ông có chức vụ nhưng vô văn hóa trong cư xử. Ông đã ngăn cấm vợ con không được tiếp xúc với gia đình bên ngoại, và bà ngoại em đã chết không nhắm mắt vì đến lúc hấp hối vẫn chưa thấy vợ chồng con gái về thăm. Bố em đánh đập mẹ con em rất nhiều, và đúng như em nói, dù hai bác đã khuyên mẹ em rất nhiều về chuyện nên li dị, nhưng người phụ nữ này mang nặng tư tưởng cũ và sợ thay đổi đến mức không thể nghĩ đến một ngày li dị ông chồng vũ phu.
Giờ thì tôi hiểu hơn bất cứ điều gì những hoảng loạn đã xảy ra với tinh thần của em. Hiểu cả những nỗi ám ảnh và đau khổ đến mức biến dạng cả tinh thần và thể lực của một đứa trẻ nhạy cảm, trong sáng và thông minh. Hiểu những gì ngập ngừng như muốn nói ra lại vừa cố giấu đi trong ánh mắt của cô học trò. Hiểu lý do vì sao em luôn cố tâm sự những chi tiết rất cá nhân với tôi trong bài thu hoạch…
Người đáng trách nhất trong chuyện này, tôi nghĩ, chính là mẹ của em. Người đàn bà như em nói là “chai sạn”. Mất đi cả khả năng tự vệ, khả năng bảo vệ con mình, và hơn hết là bà mất đi lòng thấu hiểu và nhạy cảm trong suy xét. Bà tự tạo cho mình “tổ kén” của những bình an giả tạo trong không khí gia đình.
Tôi nghĩ, nếu một ngày kể ra câu chuyện này, tôi sẽ đặt cho nó câu hỏi buồn: “Khi con đau đớn, mẹ ở đâu???”
Quỳnh Minh
(Theo congluan.vn)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.