Không như khi bé còn ẵm ngửa hay đi nhà trẻ, các mẹ chỉ cần cho con ăn no, chăm con giấc ngủ, lo lắng quan tâm đến sức khỏe của con là ưu tiên hàng đầu. Giờ đây, bé đã biết tò mò với thế giới xung quanh và nhu cầu được hiểu biết ngày càng cao. Nếu một ngày bé hỏi bạn về “chuyện ấy” thì bạn sẽ trả lời thế nào?
“Chuyện ấy” vốn là một đề tài nhạy cảm với phụ nữ châu Á nói chung và phụ nữ Việt nói riêng. Việc tâm sự về những câu chuyện xung quanh cũng đã khiến cho đa phần chị em phụ nữ ngượng ngùng, lảng tránh.
Thế nên, hẳn bạn sẽ rất bối rối khi câu chuyện ấy được đặt trên môi một đứa trẻ. Đừng vội trách mắng hay dọa nạt, bởi với trẻ con, chúng chỉ đơn giản là muốn tìm hiểu, khám phá mọi điều mà chúng chưa hiểu biết về thế giới này mà thôi.
Chẳng phải ngày xưa khi còn là con trẻ, chúng ta cũng đã từng thắc thắc: “Con sinh ra từ đâu?” với bố mẹ mình đấy thôi! Vậy nếu một ngày con bạn, dù mới chỉ tập nói bi bô, nhưng đã biết hỏi: “Con sinh ra từ đâu?” thì bạn hãy bình tĩnh đối diện với câu hỏi của bé một cách bình thản nhé! Và nếu có thể, đừng giải thích một cách mơ hồ kiểu như: “Con được sinh ra từ tình yêu của bố mẹ”, hay nói dối: “Con sinh ra từ nách của bố mẹ…” Trẻ con cần một câu trả lời khoa học, rõ ràng và quan trọng nhất là phù hợp với lứa tuổi của từng bé.
Đối diện và nói chuyện với con giống như hai người bạn
Đừng tỏ ra “bề trên” và giải thích với con kiểu “cho qua”, cũng đừng lờ đi coi như không nghe thấy, bởi vì nếu bạn làm như vậy thì chỉ càng làm thui chột sự khám phá, tìm tòi của trẻ con về các mối quan hệ xung quanh. Bé sẽ trở nên thu mình lại và có xu hướng suy nghĩ nội tâm để phản ứng lại với hành vi cư xử của bạn. Là một người mẹ, chắc hẳn bạn không muốn con mình giấu giếm những điều bé nghĩ với người mà bé có thể tin tưởng nhất, phải không nào?
Vậy thì phải chia sẻ với con thế nào đây?
Bạn hãy ngồi xuống cho bằng với con hoặc hai mẹ con có thể cùng nằm trên giường để tạo sự thân mật, ngang bằng, bạn bè. Sau đó cùng trò chuyện với con về “chuyện ấy”. Nếu bé hỏi: “Con sinh ra từ đâu?” thì đầu tiên, mẹ có thể hỏi ngược lại để xem hiểu biết của bé ra sao. Sau đó, nên giải thích một cách đúng đắn và phù hợp với độ tuổi của bé, điều này rất quan trọng bởi vì bạn không thể giải thích một cách quá chi tiết và rõ ràng cho một đứa trẻ 4 tuổi hiểu được thế nào là hiện tượng thụ tinh, hay đại loại một động từ khó hiểu với bé, vì bé sẽ bị rối và không hiểu những “cái đó” là cái gì?
Đối với trẻ mẫu giáo đến bậc tiểu học chỉ nên giải thích cho bé những câu đơn giản như: “Trong bụng mẹ có một cái túi để đựng con, sau đó bố đặt con vào trong bụng mẹ, lúc ấy con chỉ bé xíu thế này thôi, mẹ phải ăn nhiều cơm để nuôi con ở trong bụng, chín tháng sau, khi con khỏe mạnh thì con sẽ tự chui ra…”.
Có thể bé sẽ hỏi tiếp: “Con chui ra đường nào hả mẹ?” Khi ấy, với những bà mẹ sinh mổ thì có thể cho bé xem vết sẹo của bạn mà không cần ngại ngùng, giải thích cho con hiểu: “Khi ấy, bác sỹ sẽ tạo một cái lỗ ở đây và bế con ra. Nhưng rất là đau, chỉ khi nào con lớn con mới chịu đau được, và chỉ có bác sỹ mới tạo ra cái lỗ này để cho em bé chui ra thôi!”
Còn với những mẹ sinh thường, có thể giải thích cho con rằng: “Có một cái ngách nhỏ ở dưới bụng mẹ, khi nào mẹ nuôi con trong bụng mà con muốn chui ra, thì mẹ sẽ đến bệnh viện, bảo bác sỹ giúp bế con ra. Phải khi nào con lớn như mẹ, thì con mới có thể có em bé được, mà nếu muốn sau này có em bé thì từ bây giờ con phải vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, không cho ai động vào chỗ này, chỗ này nhé!” Bé sẽ hiểu và tin tưởng lời của bạn rất nhanh, vì thế cần phải tiết chế những gì nên nói và những gì chưa nên nói với bé ở từng độ tuổi.
Còn bây giờ, mẹ hãy cùng Em đẹp lắng nghe chia sẻ của các chị em trước những câu hỏi “khó” của trẻ con nhé!
Chị Thanh Mai (Kinh doanh): “Tôi có hai con gái, cháu lớn đã 22 tuổi, cháu nhỏ đang học lớp 12. Ngày các cháu còn nhỏ thì không thiếu những câu hỏi ‘hóc búa’ con hỏi mình. Thời ấy vẫn con nhiều cái lạc hậu, cấm kị mà người lớn thường ngại ngùng không dám chia sẻ cho con hiểu.
Nhưng bản thân mình trước kia cũng là một đứa trẻ, cũng đã từng có những thắc mắc mà không dám hỏi ai vì… sợ. Tôi vẫn nhớ in những thắc mắc, những ngô nghê thời con trẻ mà chỉ dám giấu trong lòng không bao giờ dám thổ lộ với ai, đó thực sự là một điều thiệt thòi ở thế hệ chúng tôi.
Giờ làm mẹ, câu chuyện ấy lại diễn ra y như khi mình còn nhỏ, vậy thì mình sẽ phải trả lời thế nào cho con thỏa mãn trí tò mò, mà lại không dối trá nó?
Tôi nói với hai đứa con của mình, khi ấy mới 7, 8 tuổi khi được nghe các con hỏi: ‘Con sinh ra từ đâu? Làm thế nào để có em bé hả mẹ?’, tôi nói với con rằng: ‘Con là sự đơm hoa kết trái giữa tình yêu của ba mẹ. Để có các con ngày hôm nay là cả tình thương yêu của ba và mẹ. Trong bụng mẹ có một cái túi, người lớn gọi là tử cung. Sau này kết hợp với ba thì con sẽ hình thành, lúc ấy con còn rất bé thôi, bé như cái kẹo vậy. Hàng ngày mẹ phải chăm chỉ ăn uống để nuôi con trong bụng, đến 9 tháng 10 ngày thì mẹ vào bệnh viện, nhờ bác sỹ bế con ra.
Nếu sau này con muốn có em bé thì phải đủ lớn và hiểu biết. Con sẽ gặp một người yêu thương con như ba yêu mẹ. Hai người phải thật yêu thương nhau, kết hợp lại thì con mới sinh được em bé.
Con người cũng giống như cái cây, khi đủ lớn rồi sẽ đơm hoa và kết trái. Con cũng vậy, khi con đủ khôn lớn và trưởng thành thì con cũng sẽ trở thành một người mẹ và sinh ra những em bé của con bằng tình yêu’.
Tụi trẻ nhà tôi rất lanh nên nói là hai con hiểu, và khi diễn đạt lại với bạn bè chúng cũng nói y như thế! Tôi nghĩ rằng chuyện thành thật giải thích cho con hiểu là phương pháp tối ưu để dạy con thay vì quát tháo hoặc lảng đi”.
Chị Thu Trang (Nhân viên truyền thông): “Mình chưa lập gia đình nhưng cũng đã chăm sóc em trai từ nhỏ, do tuổi tác chênh lệch nhiều nên mình cũng đối diện với tình huống này thường xuyên. Nhớ ngày em trai mình mới 4 tuổi đã hỏi: ‘Tại sao có em bé? Làm sao mà em bé chui ra được?’. Rồi nhớ khi mình bằng ấy tuổi, mẹ toàn bảo: ‘Bố mẹ lấy nhau là có em bé, con chui ra từ nách mẹ…’ thế là mình cứ mặc định trong đầu điều ấy là sự thật. Khi lớn rồi mới biết là không phải.
Giờ em trai lại hỏi y như vậy, mình cũng trả lời là: ‘Em được mẹ sinh ra từ nách!’. Mình nghĩ là trả lời cho một đứa trẻ 4 tuổi như vậy cũng không có gì là sai cả. Điều quan trọng không phải là sự thật, mà chỉ là để thỏa mãn thắc mắc của em mà thôi! Và cứ để trong đầu em trai mình ‘mặc định’ chuyện em được sinh ra từ nách và cứ kết hôn mới có con như vậy cũng không có gì là nguy hiểm cho nhận thức của bé.
Vì thực ra ở độ tuổi ấy, nếu mình không tìm được câu trả lời thỏa đáng và phù hợp thì nên chọn cách ‘nói dối’ như thế, đến khi bé lớn lên một chút nữa, bé sẽ lại thắc mắc thì khi ấy mình sẽ trả lời theo độ tuổi và nhận thức của bé”.
Chị Tô Lan Hương (Hiệu trưởng trường mầm non): “Tôi có hai bé trai cũng đang trong độ tuổi thích hỏi để hiểu. Mà mỗi khi bé hỏi thì toàn những câu khiến mẹ ‘giật mình’. Có lần em Bean hỏi: ‘Mẹ ơi! Mẹ có con như thế nào?’ Tôi nghĩ một lát và chọn lựa từ ngữ để nói với một cậu trai 8 tuổi rồi giải thích: ‘Khi có con, con chỉ bé tí như quả nho thôi, sau đó con mới lớn dần lên trong bụng mẹ, đến khi lớn rồi trong bụng mẹ rất chật nên con đạp đòi ra ngoài và bác sĩ đã mổ bụng mẹ để cho con ra’. (Vì tôi sinh mổ nên giải thích cho cháu như thế).
Chị Tô Lan Hương và các con.
Bean lại hỏi: ‘Nhưng như thế nào mà có con?’, tôi lại giải thích tiếp: ‘Có con là phải do cả bố và mẹ để ‘tạo’ ra con’. ‘Tạo như thế nào ạ?’ – Bean lại ‘truy vấn’ tiếp, và tôi đành phải đi chi tiết hơn: ‘Trong người mẹ có 1 quả tròn như viên bi ve của con ý, gọi là quả trứng. Còn bố có cái con như con cá ý (thôi mẹ cứ gọi là cá nhé) con cá nó chui vào quả trứng ‘kíp hợp lại’ (nói theo văn siêu nhân để em dễ hiểu) sau đó lớn lên trong bụng mẹ là con đấy! Thế nên con là của bố mẹ…
Bean nghe vậy cũng có vẻ thỏa mãn với câu trả lời. Bất chợt một hôm cậu chàng lại hỏi ‘sốc’: ‘Mẹ ơi tinh trùng là gì? Con chỉ sợ không có tinh trùng’ (vì trong phim hàn đang chiếu cảnh anh chồng đi xét nghiệm và rất đau khổ vì không có tinh trùng). Ngẫm nghĩ để tìm từ phù hợp, tôi trả lời: ‘Tinh trùng thì khi con lớn như chú trong phim thì con trai ai cũng phải có, có cái đó thì mới sinh được em bé. Nghe xong cậu tỏ ra rất lo lắng và bảo: ‘Mẹ ơi con sợ không có tinh trùng lắm!’
Nói chung, khi gặp những câu hỏi ‘nhạy cảm’ từ trẻ nhỏ, người mẹ nên xem con mình ở độ tuổi nào để có cách giải thích cho phù hợp. Không nên nói: ‘Con là do mưa rơi vào người mẹ hoặc mẹ đẻ con ra từ nách’ là được!”.
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.