Sự khắc nghiệt của khí hậu trên mặt trăng Io của sao Mộc có thể khiến con người chết cóng bên núi lửa.
Theo các nhà khoa học, mặt trăng Io của sao Mộc là nơi có hoạt động núi lửa diễn ra mãnh liệt nhất, nhưng bề mặt thiên thể này lại giá lạnh đến mức có thể giết chết mọi sự sống, Forbes ngày 30/7 đưa tin.
Io là mặt trăng bé nhất trong 4 mặt trăng của sao Mộc. Nhiệt của Io không sinh ra từ sự hình thành của vệ tinh này hay do sự phân rã của các yếu tố phóng xạ như ở các thiên thể đang hay từng có hoạt động núi lửa.
Do hoạt động của núi lửa, bề mặt của Io ở khu vực quanh xích đạo rất nóng.
Lực hấp dẫn từ sao Mộc và các mặt trăng khác tạo ra sóng trong lòng Io. Sóng này xé rách và đun nóng lớp đá cứng thành mac-ma nóng chảy, khiến hoạt động núi lửa diễn ra mạnh mẽ trên bề mặt của Io. Theo đo đạc của vệ tinh, các dòng nham thạch trên bề mặt có nhiệt độ trung bình 1.300 độ C, chảy ra từ các khe nứt, miệng hố hay miệng núi lửa.
Nham thạch có thể phun cao gấp hàng trăm lần chiều cao của đỉnh Everest do cường độ của núi lửa, bầu khí quyển cực mỏng và từ trường yếu trên Io. Nham thạch vì vậy có thể vượt khỏi bầu khí quyển để đi vào vũ trụ và đông thành chùm khí màu xanh dương chứa nhiều sulphur.
Do hoạt động của núi lửa, bề mặt của Io ở khu vực quanh xích đạo rất nóng, liên tục bị khuấy đảo bởi dung nham. Nhưng phần lớn diện tích bề mặt còn lại của Io có nhiệt độ cực lạnh. Khi sao Mộc phủ bóng lên Io, bề mặt mặt trăng này có nhiệt độ -168 độ C. Trong ánh sáng mặt trời, nhiệt độ bề mặt là -148 độ C.
Mặt trăng Io là đại diện tiêu biểu cho sự khắc nghiệt của khí hậu. (Video: Discovery).
Một mặt, bầu khí quyển rất mỏng của Io khiến hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm nóng vệ tinh này không xảy ra. Mặt khác, sự tồn tại của bầu khí quyển này chỉ mang tính thời điểm.
Trong bóng tối, bầu khí quyển chứa phần lớn SO2 sinh ra từ núi lửa bị vỡ ra do các phân tử khí đông lạnh rơi xuống bề mặt dưới dạng tuyết axit. Khi có ánh sáng mặt trời, sulphur thăng hoa giúp khôi phục khí quyển.
Theo VnExpress