Hiện tượng khí hậu toàn cầu nóng dần có thể đã tiêu hủy mãi mãi một số dải đá ngầm san hô quý hiếm nhất hành tinh. Đó là khẳng định của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế sau khi khảo sát 21 địa điểm và hơn 50.000 mét vuông dải đá ngầm san hô tại quần đảo Seychelles từ năm 1994 đến năm 2005.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích tác động lâu dài của hiện tượng khí hậu nóng dần dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ kéo dài và chưa từng xảy ra ở bề mặt Ấn Độ dương, tiêu hủy hơn 90% hàng rào san hô bên trong quần đảo Seychelles.
Nghiên cứu trên do Nick Graham thuộc trường đại học Newcastle (Anh) dẫn đầu với sự tham gia của các nhà khoa học Ốtxtrâylia và quần đảo Seychelles. Họ đã chứng minh rằng sự gia tăng nhiệt độ vào năm 1998 có tác động tàn phá trong thời gian ngắn và lâu dài, ngăn sự tái sinh của nhiểu dải đá ngầm san hô. Các dải đá ngầm này đã bị vỡ và bị bao phủ bởi tảo. Sự biến mất của chúng khiến loài động vật đa dạng dưới biển không có thức ăn và chỗ ở.
Nghiên cứu trên cũng tiết lộ rằng tính đa dạng của các loài cá đã giảm 50% tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
“Việc cứu nhiều dải đá ngầm san hô có thể đã quá trễ, nhưng nghiên cứu này đã chứng minh tính quan trọng của việc giảm các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tác động của chúng đối với các hệ sinh thái đa dạng nhất hành tinh”, ông Nick Graham nhấn mạnh.
Theo Đài truyền hình TP.HCM