Khi lá phổi ngập khói

Khi lá phổi ngập khói
Vào rừng rậm Kalimantan cũng mất khá công. Trước tiên là vài kilomet đi thuyền, rồi tới vài kilomet nữa đi trên xe trượt tự tạo. Ngang qua những vòm cây, từng đàn bướm lao ra lẫn trong tiếng côn trùng nỉ non. Thế nhưng, đây lại không phải là khu rừng nguyên sinh. Nó chỉ là dự án 10 năm nhằm phủ lại diện tích rừng đã bị tàn phá.

Pak Alim là một trong những người tham gia dự án. Anh nói, dự án này rất quan trọng, bởi có lẽ chỉ duy nhất khu vực thuộc miền Trung Kalimantan là nơi các điều kiện rừng nhiệt đới được tái tạo.

Khi lá phổi ngập khói

Pak Alim cùng đồng nghiệp đang nỗ lực khôi phục nguồn nước cho khu rừng đầm lầy (Ảnh: BBC)

Đây là rừng đầm lầy, được trồng trên hàng mét đất bùn dày chứa nhiều carbon. Than bùn rất quan trọng, bởi nó có khả năng xử lý các chất khí thải nhà kính như carbon dioxide và methane. Pak Alim thích gọi những khu rừng thế này là “lá phổi của thế giới”. Thế nhưng những lá phổi này đang ngày càng bị co hẹp lại.

Cháy rừng

Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên Wetlands International, 48% rừng đầm lầy của Indonesia đã bị phá và hầu hết các diện tích còn lại đang bị xuống cấp bởi nạn đốn gỗ lậu.

Marcel Silvius, cán bộ chương trình cao cấp của Wetlands International tin rằng đây là một trong những thảm hoạ môi trường lớn nhất thời đại. Ông nói với tôi: “Nếu chỉ tính riêng việc tháo cạn nước khỏi các vùng đầm lầy thì Indonesia đang tạo ra 632 triệu tấn carbon dioxide mỗi năm.”

“Nếu tính từ các vụ cháy rừng hàng năm thì nước này thải ra 1400 triệu tấn nữa. Như vậy, tổng số Indonesia thải ra 2000 triệu tấn mỗi năm. Con số của Hà Lan là 80 triệu tấn.”

Các vụ cháy rừng hàng năm tại Indonesia là một vấn đề to lớn. Thời gian gần đây, các vụ cháy ngày càng tăng thêm. Một số vụ là do các công ty gây ra. Họ chọn cách dọn rừng lấy đất canh tác một cách nhanh chóng và ít tốn kém. Một số vụ do dân địa phương xà xẻo rừng để kiếm sống.

Khi lá phổi ngập khói

“Chúng tôi phải lao động cực nhọc để biến nó thành đất nông nghiệp như ngày nay.” bà Ratni, nông dân Kalimantan

Ratni sinh sống ở đây đã 30 năm. Bà đến trong chiến dịch chính phủ di dân nhằm đưa nông dân tới khai thác vùng đầm lầy phía nam Kalimantan.

Bà nói: “Hồi đầu mọi thứ rất khó khăn. Chẳng có đường xá, đất thì khó khai thác. Chỉ vứt mẩu thuốc lá xuống là đất đã bùng cháy rồi. Chúng tôi phải lao động cực nhọc để biến nó thành đất nông nghiệp như ngày nay đấy.

Ratni và hàng xóm của bà nói họ vẫn dùng lửa để dọn đất mỗi năm. Thế nhưng, rừng đầm lầy quanh đây đã cạn kiệt nguồn nước, do bị hút nước phục vụ nông nghiệp, do vận chuyển gỗ và lửa lây lan nhanh. Hồi năm ngoái, các đám cháy khiến rừng bị phủ đầy bồ hóng.

Nỗi lo ngập lụt

Tuy nhiên, có một nơi trong khu rừng này vẫn còn xanh tươi, cây non đang bắt đầu phủ bóng. Đây là nơi có dự án thử nghiệm mà Pak Alim và các đồng nghiệp đang phủ xanh cho đất đai. Anh giới thiệu cho chúng tôi xem một con đập nhỏ, xây chặn các dòng chảy nhằm giữ nước.

“Kể từ khi xây đập, chúng tôi thấy nơi này xanh tươi hơn. Không có nó, lượng nước tại đây rất thấp và khu vực sẽ không gượng lại được sau các trận cháy rừng.”

Tuy nhiên, anh nói cần phải rất thận trọng. Anh giải thích: “Nếu áp dụng các biện pháp mạnh và làm ngập toàn bộ khu vực, có thể ta sẽ có thêm rừng, nhưng chúng ta cũng sẽ làm hại cộng đồng địa phương khi làm ngập đất nông nghiệp của họ. Trước đó, rừng rậm giữ nước lại trong mùa mưa nhưng nay nước lụt có thể tràn về từ mọi hướng.”

Chính phủ Indonesia đồng ý rằng không có giải pháp giản đơn nào cho khu vực rừng đầm lầy.

Khi lá phổi ngập khói

Chính phủ Indonesia mắc thế tiến thoái lưỡng nan trước việc giữ nước cho các khu đầm lầy

Agus Purnomo, một quan chức cao cấp của Bộ Nông Nghiệp Indonesia tin rằng có hai đối tượng chính gây khó khăn. Đó là các đại công ty và nông dân địa phương.

Với các công ty lớn, giải pháp là phải dùng luật pháp. Đó là điều dễ làm, ông nói. “Với khó khăn thứ nhì, điều cần phải đối diện chính là nạn đói nghèo.”

“Để người dân không phá rừng làm nông nghiệp, chúng ta cần đưa ra các dự án phát triển có lợi trực tiếp cho người nghèo địa phương, và đây là một thách thức mà chính phủ cần phải giải quyết toàn diện.”

Những trớ trêu của môi trường

Những người như Ratni có thể là một phần dẫn tới việc phá rừng, nhưng họ cũng là những người đầu tiên phải hứng chịu hậu quả.

Mỗi năm, những đám mây khói bụi tạo ra từ các trận cháy rừng phủ xuống cộng đồng này, có lúc tới hàng tuần lễ. Nó khiến cho Ratni không thở nổi. Cây cối của bà cũng vậy.

Khôi phục nước cho vùng đầm lầy gần đó sẽ giúp giảm bớt các trận cháy rừng và các đám mây khói bụi, nhưng nó cũng lại xoá sổ ngôi nhà cùng kế sinh nhai của Ratni. Nó cũng làm hạn chế tới kế hoạch của chính phủ, muốn phát triển nền công nghiệp đa năng lượng của đất nước.

Nhu cầu trên toàn thế giới đối với các hình thức năng lượng thay thế, như dầu cọ chẳng hạn, đang gây áp lực lên các khu rừng của Indonesia, bởi các công ty trồng cây cần có đất để hoạt động.

Đó là điều trớ trêu mà cộng đồng thế giới cần phải giải quyết, nếu như năng lượng xanh sẽ giúp ngăn chặn thay vì là thúc đẩy tình trạng biến đổi khí hậu.

Lucy Williamson

 

Theo BBC