Đối với các chàng trai, việc người mẹ tìm vợ giúp họ là điều đáng sợ, song những con khỉ bonobo đực lại thích như thế.
Một con khỉ bonobo. (Ảnh: tewahanui.info)
Livescience cho biết, sự quan tâm của cha mẹ đối với hoạt động sinh sản của con là hiện tượng phổ biến. Cá voi nổi tiếng nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa mẹ và con. Trong khi đó, nếu được sinh ra bởi một bà mẹ có thứ bậc cao trong đàn, linh cẩu đực sẽ có cơ hội giao phối nhiều hơn khi chúng đến tuổi sinh sản.
Với động vật linh trưởng, nhiều nghiên cứu chứng minh mẹ có vai trò khá lớn đối với khả năng sống sót của những đứa cháu mà con sinh ra. Nhưng mối quan hệ mẹ-con hay bà-cháu là thứ khó “đong đếm”, bởi phần lớn con đực rời khỏi đàn khi đến tuổi trưởng thành. Khỉ bonobo, loài có quan hệ họ hàng với tinh tinh, là một ngoại lệ. Các quần thể khỉ bonobo chịu sự lãnh đạo của khỉ cái và các con đực vẫn gắn bó với mẹ khi đến giai đoạn sinh sản.
Từ lâu giới sinh học đã biết địa vị của các con khỉ bonobo đực được quyết định bởi địa vị của mẹ chúng. Vì thế Martin Surbeck, một nhà sinh học của Viện nghiên cứu linh trưởng Max Planck tại Đức, cùng các đồng nghiệp theo dõi một đàn khỉ bonobo trong Công viên quốc gia Salonga tại Congo.
Các quan sát tại thực địa cho thấy khỉ bonobo mẹ đảm nhận vai trò chủ động trong việc tìm bạn tình cho các “quý tử” của chúng. Để xác định vai trò của con mẹ, Surbeck và các đồng nghiệp dùng dữ liệu ADN để xác định mối quan hệ giữa các cá thể. Sau đó họ theo dõi đàn khỉ trong hơn 10 tháng để ghi nhận các thông số như số lần đánh nhau, giao phối và sinh sản.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy các con khỉ bonobo phân chia thành nhiều nhóm nhỏ vào ban ngày. Trong mỗi nhóm thì con đực luôn ở bên cạnh mẹ chúng trong khoảng 81 tới 92% thời gian. Khi những con mẹ không ở bên cạnh, con khỉ đực có địa vị cao nhất trong đàn thực hiện tới 41% số lần giao phối với các con cái đến thời kỳ sinh sản. Nhưng khi mẹ của những con đực có địa vị thấp xuất hiện, con đực có địa vị cao nhất chỉ thực hiện 25% tổng số lần giao phối. Nói cách khác, những con khỉ mẹ xua đuổi con khỉ đực có địa vị cao nhất khiến nó không thể giao phối với những con cái có khả năng sinh sản cao nhất. Nhờ đó mà những con đực “thấp cổ bé họng” có cơ hội làm cha.
Đôi khi những con khỉ mẹ xua đuổi những con đực không có quan hệ họ hàng ra xa những con cái hoặc hỗ trợ con trong cuộc chiến với tình địch. Trong nhiều trường hợp chúng còn trông chừng những con đực khác khi con của chúng giao phối với khỉ cái.
Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian khỉ mẹ thực hiện vai trò của “bà mối”. Do khỉ bonobo cái có địa vị xã hội cao hơn khỉ đực nên bình thường các “chàng” rất khó tiếp cận các “nàng”. Sự hiện diện của khỉ mẹ cho phép con đực tiếp cận con cái dễ dàng hơn, nhờ đó tăng cơ hội giao phối.
“Mức độ hỗ trợ con trai của khỉ mẹ càng lớn thì chúng sẽ càng có nhiều cháu”, Surbeck nhận định.
Joan Silk, một nhà sinh học của Đại học California tại Mỹ, cho rằng những hành vi của khỉ bonobo giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tổ tiên của loài người.
Theo VnExpress