Tôi không định “hóng” thêm vào câu chuyện của người mẹ bị cho là vô tâm vô tình với con, được “tố” tràn lan lên facebook – chuyện 1 bà mẹ sống trong chung cư nọ, vì mải mê công việc đã để đứa con của mình ở ngôi nhà bừa bãi, bẩn thỉu; mặc đồ lôi thôi, ăn uống qua quýt và suốt ngày lẩn thẩn chơi 1 mình, không được chăm chút cẩn thận như bạn bè của nó. Câu chuyện ấy, nhìn từ nhiều góc độ, có thể cho thấy nhiều quan niệm khác nhau. Ai đó đứng về phía người mẹ, cho rằng chị đã làm những gì có thể cho con của mình; cho rằng chị có quyền riêng tư; cho rằng chị đang bị người ta cố tình nói xấu, bị bôi nhọ danh dự… Ai đó lại có thể đứng về phía người hàng xóm đã đưa chuyện nhà người khác lên mạng xã hội, cho rằng cách thẳng thừng ấy là biện pháp tốt nhất để góp ý với người đã không còn chút nào khả năng tiếp thu; rằng, chúng ta nên bỏ qua hết tất cả những thành kiến cứng nhắc hoặc những quy định lạnh lùng về luật pháp về nhìn về hành động của nhau bằng cái nhìn thấu suốt tâm can hơn, để cố gắng mà hiểu về nhau mà sống tốt hơn…
Nhưng chắc chắn, tôi không định bàn về chuyện đó. Tôi chỉ muốn nói về đứa trẻ thôi. Nó tuyệt đối yêu thương mẹ nó, dành rất nhiều tình cảm cho người phụ nữ bị đánh giá là vô tâm vô tình. Nó vui đơn giản với những gì nó có. Đơn giản là, dù ở hoàn cảnh nào thì đứa trẻ cũng đều cảm thấy hài lòng. Đó có phải là điều chúng ta nên học hỏi không? Quả là, tôi chỉ luôn nghe thấy những người cha người mẹ kêu ca phàn nàn và mắng mỏ con, và càng lớn chúng ta càng dạy cho trẻ nhỏ cách không hài lòng, chứ tôi không cho rằng những đứa trẻ tự tiêm nhiễm vào đầu cách suy nghĩ kiểu so sánh và kén chọn. Đứa trẻ yêu mẹ nó trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện mà mẹ nó đem lại.
Tôi còn nhớ, ngày tôi con nhỏ, tôi viết chữ vô cùng xấu dù đọc rất tốt. Tôi có thể đọc rất hay, kể chuyện rất sinh động, tôi có nhiều ý tưởng cho những bài văn miêu tả và kể chuyện của mình. Nhưng chữ viết thì công nhận là quá xấu! Tôi không biết phải giải thích thế nào, và mẹ cũng không biết phải suy nghĩ ra sao. Cho đến khi cô giáo liên tục chê trách thì mẹ cũng liên tục mắng tôi. Mẹ chê tôi, liên tục cho rằng tôi đã không cố gắng, cho rằng tôi cần thức khuya hơn để luyện viết nhiều hơn. Lớn lên thì tôi hiểu, không có gì sai trái khi một đứa trẻ không hề hào hứng với trò chơi “luyện chữ”. Chỉ là ở chỗ mẹ đã so sánh tôi với điều mà đa số những đứa trẻ khác trên đời đều làm được. Mẹ đã so sánh và thấy sự bất thường, và mẹ quyết tâm “cào bằng” để “san ủi” chỗ bất thường ấy cho lòng thanh thản, chứ không phải vì mẹ thật sự cho rằng nét chữ thẳng tăm tắp, đều chằn chặn ấy là việc tôi cần phải có!
Và những đứa trẻ cũng học được cái tính cách suy bì, so sánh ấy ở chính những người nuôi dưỡng mình. Học được cái cách “lo” cho chuyện của người khác nhiều hơn là quay về nhìn lại chính mình. Ta đánh mất cái niềm vui đơn giản của những đứa trẻ thơ – tức là niềm vui được vui với tất cả những gì mình có, không câu nệ, dài dòng, không chấp nê, thành kiến… Có phải vì thế không mà người ta tự cho mình cái quyền quan tâm đến chuyện của người khác hơi thái quá. Hoặc chỉ trích tất cả những gì không giống với quan niệm của mình?
Tôi nghĩ chúng ta nên trở về học lại cách yêu đời giản dị của trẻ thơ. Bởi thực tế, đời cho ta nhiều quá mà không biết! Hoặc ta biết mà ta không nhận ra ý nghĩa của những điều đang có.
Những ngày trầm cảm vì trách giận cuộc đời, tôi hằn học ngôi nhà của tôi, nó không như ý, nó có những vết nứt trên ban công, nó quay về cái hướng “không hợp tuổi”, nó quá đắt đỏ và vợ chồng tôi gánh thêm khoản nợ lên đầu… Tôi hằn học mãi cho đến khi buộc phải đối diện với câu hỏi về sự thay đổi của chính mình: hoặc là yên lặng lại để sống và khỏe mạnh, hai là tiếp tục đau khổ và bệnh tật… Lúc ấy tôi mới thấm, để sống và yêu những gì đang có, không hề đơn giản chút nào. Đó là cả một bài học lớn, một kinh nghiệm “xương máu”. Là cả một sự quyết tâm và lựa chọn kiên cường…
Tôi cứ nhớ mãi về lời khẳng định của bà mẹ, rằng bà ta yêu nó! Dù có vẻ như cách mà bà ấy chọn để biểu hiện điều ấy không giống như người khác. Nhưng vấn đề không phải là chúng ta phân tích về điều đó. Vấn đề là chúng ta cần học hỏi đứa trẻ đó ở tinh thần giản đơn và cao thượng.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.