Khí nhà kính khiến thực phẩm mất chất dinh dưỡng

0
100

Các loại thực phẩm có thể sẽ bị suy giảm độ dinh dưỡng vào cuối thế kỷ này, theo như một công trình nghiên cứu mới.

Max Taub, Đại học Tây Nam ở Texas và phân tích hơn 200 thí nghiệm của các nhà khoa học khác đã tuyên bố rằng, khí CO2 đang gia tăng trong bầu khí quyển do việc sử dụng chất đốt của con người có thể dẫn đến sụt giảm giá trị dinh dưỡng của nhiều vụ mùa thực phẩm quan trọng.

Các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của lượng khí nhà kính lên lượng protein trong lúa mạch, gạo, lúa mì, đậu nành và khoai tây, những cây lương thực chủ chốt, đặc biệt là ở các nước nghèo, nơi mà người dân chủ yếu dựa vào thực vật để cung cấp protein trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Phân tích của Taub đăng trên ấn bản tháng 3 của tạp chí Global Change Biology, chỉ ra khi trồng trọt trong hoàn cảnh lượng CO2 cao, khoai tây giảm 14% lượng protein, ở lúa mạch là 15%, gạo và lúa mì là gần 10%. Đậu nành giảm protein ít nhất, khoảng 1,4%. “Lại thêm một bằng chứng của tác động của thay đổi khí hậu toàn cầu lên con người.”

Taub giải thích rằng khi hàm lượng CO2 tăng lên trong không khí, phần lớn các loài thực vật tích trữ cacbon trong các tế bào và có thể làm giảm hàm lượng của các thành tố khác ví dụ như ni-tơ, một thành phần hóa học quan trọng trong quá trình hình thành protein.

Taub cho rằng, sự thiếu hụt ni-tơ có thể được khắc phục một phần bằng phân bón chứa ni-tơ nhưng điều này có thể tác động xấu lên môi trường đặc biệt là lên hệ thống đường nước. Một giải pháp khác là phát triển nhóm ngũ cốc có hàm lượng protein cao trong điều kiện gia tăng CO2.

 

Theo Tuệ Minh (LiveScience)