Băng tan ở Nam Cực trong quá trình ấm lên của Trái đất do khí nhà kính tích tụ ngày một lớn |
Tổng lượng khí nhà kính thải lên bầu trời sẽ tăng 52% vào năm 2030, trừ phi thế giới thực hiện ngay các biện pháp mạnh để giảm tiêu thụ năng lượng, một nghiên cứu vừa cảnh báo. Trong khi đó, một quan sát khác cho thấy tảng băng lớn nhất thế giới đã vỡ làm nhiều mảnh.
Dự báo trên được đưa ra trong bản báo cáo thường niên mới nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) về Triển vọng Năng lượng Thế giới. Theo đó, nếu cứ với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, nhu cầu năng lượng sẽ tăng hơn 50% trong vòng 25 năm tới.
IEA cho biết giá dầu sẽ “về cơ bản” sẽ tăng trừ phi có những đầu tư mới vào các nhà máy nhiên liệu. Tình trạng này là hệ quả của việc đã nhiều năm thế giới “đầu tư không đúng mức” cho cả các cơ sở khai thác và lọc dầu.
“Những xu hướng trên có tầm quan trọng lớn và dẫn tới một tương lai không bền vững” – giám đốc IEA Claude Mandil nhận định – “Chúng ta phải thay đổi những tình huống này và hướng trái đất đi theo con đường năng lượng bền vững“.
Cùng lúc với báo cáo của IEA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho biết tảng băng từng được xem là lớn nhất thế giới – tảng B-15A trên mũi Adare, Nam cực – đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Bức ảnh gần đây nhất do Cơ quan này đưa ra cho thấy tảng băng hình cái chai dài khoảng 115 km này đã tách thành 9 mảnh hình lưỡi dao và vô số các mẩu nhỏ khác hôm 27-28 tháng 10 vừa qua. Nhiều nhà khoa học tin rằng hiện tượng băng tan, vỡ là hệ quả của quá trình trái đất ấm lên, do khí nhà kính tích tụ ngày một lớn.
T. An (theo BBC, Physorg)
Theo VnExpress