Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ (NCAR), khí ô nhiễm từ các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á bay lên tầng bình lưu trong mùa mưa và phát tán khắp thế giới.
Đám mây ô nhiễm trên bầu trời Hong Kong, Trung Quốc ngày 22-3 – Ảnh: AFP
Hãng tin AFP cho biết theo nghiên cứu của NCAR, dòng lưu chuyển không khí rất mạnh liên quan đến mùa mưa châu Á là con đường để các loại khí ô nhiễm như carbon đen, SO2, NO… bay lên tầng bình lưu – tầng khí quyển nằm cách mặt đất khoảng 32-40 km.
“Gió mùa là một trong những hệ thống lưu chuyển khí quyển mạnh nhất trên hành tinh, và nó hình thành ngay trên vùng bị ô nhiễm nặng nề,” AFP dẫn lời nhà khoa học NCAR William Randel, đồng tác giả nghiên cứu.
AFP cho biết dựa trên những dữ liệu thu thập được từ vệ tinh, các nhà khoa học NCAR phát hiện một khi lên đến tầng bình lưu, khí ô nhiễm sẽ phát tán khắp Trái đất trong vòng vài năm.
Các nhà nghiên cứu lo ngại tác động của khí ô nhiễm từ châu Á trên tầng bình lưu có thể tăng vọt trong các thập kỷ tới do sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế khu vực như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Nghiên cứu của NCAR được đăng trên tạp chí Science số ra ngày 26-6. Tổ chức khoa học quốc gia Mỹ, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), và Cơ quan hàng không vũ trụ Canada cũng hỗ trợ nghiên cứu này.
Theo Tuổi Trẻ