Khí thải bào mòn vỏ động vật biển

Lớp vỏ của nhiều loài động vật sống trong đại dương đang mỏng dần theo thời gian, do nước biển hấp thụ ngày càng nhiều khí thải CO2. 

Một con sò dưới đáy biển. Ảnh: Fossil.

Hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người đã giải phóng khí thải CO2. Phần lớn lượng khí thải tích tụ trong khí quyển và một tỷ lệ nhỏ bị hấp thụ bởi các đại dương. Khi CO2 hòa tan trong nước và tạo thành một dạng axit. Lượng khí thải này được hấp thụ càng nhiều thì tính axit của nó càng tăng và điều này đồng nghĩa với việc lượng canxi carbonate (CaCO3) giảm xuống.

Trong khi đó, CaCO3 là khoáng chất mà các động vật biển như san hô và sò cần để tạo lớp vỏ cứng. Những động vật này là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn dưới đại dương. Sự gia tăng tính axit của đại dượng có thể làm giảm đáng kể khả năng tạo vỏ của động vật biển, dẫn đến sự hủy diệt của chúng.

Sự suy giảm đột ngột số lượng của một loài sẽ tạo ra tác động tiêu cực mang tính dây chuyền tới toàn bộ hệ sinh thái. Tuy nhiên, từ trước tới nay các chuyên gia mới chỉ dựa vào các mô hình và thí nghiệm để đánh giá tác động tiềm năng của khí thải nhà kính đối với hệ sinh thái biển.

Trung tâm Hợp tác nghiên cứu khí hậu và các hệ sinh thái Nam Cực của Australia đang tìm hiểu vấn đề này dưới đại dương. Họ thu thập hàng nghìn động vật có vỏ đang sống ở vùng biển Nam Cực để so sánh với những động vật có vỏ mắc kẹt trong các lớp trầm tích dưới đáy từ trước cuộc cách mạng công nghiệp (cuối thế kỷ 18). Họ nhận thấy khối lượng “giáp” của động vật có vỏ ngày nay giảm 30-35% so với tổ tiên của chúng.

Nếu thực trạng trên cũng diễn ra ở các đại dương khác, nó sẽ dẫn tới những thay đổi dữ dội trong hệ sinh thái biển. “Những tác động mang tính hủy diệt do CO2 mang tới có thể gây xáo trộn chuỗi thức ăn dưới đại dương do nhiều mắt xích trong đó biến mất”, nhóm nghiên cứu của Australia kết luận.

 

Theo VnExpress (Livescience)