Tìm cá thể đực cùng loài để lai giống với Rùa hồ Gươm là cách mà các nhà khoa học đề xuất để bảo tồn loài vật thiêng, nhưng để kiếm được phối ngẫu cho cụ không dễ.
>>>Rùa hồ Gươm có thể bị đói
Rùa hồ Gươm nổi lên nhiều lần trong một tháng qua, với những vết xám trắng trên cơ thể. Sự xuất hiện thường xuyên trở lại của “cụ” khiến các nhà khoa học phỏng đoán rằng Rùa bị đói hoặc do môi trường xấu đi.
Điều này cũng hâm nóng trở lại những lời bàn bạc về việc tìm cách duy trì nòi giống của sinh vật quý hiếm và được coi là một trong các biểu tượng của Hà Nội này. Trong số các phương án, được đề cập nhiều nhất là khả năng tìm sinh vật phối ngẫu cho cụ bà Rùa.
Qua hình ảnh này, các nhà khoa học lo ngại bệnh của cụ Rùa
sẽ tái phát, sức khỏe của cụ sẽ lại bị đe dọa. (Ảnh: Vũ Long)
“Tôi có tham vọng nghiên cứu về gene cụ Rùa, nhưng chưa có kinh phí”, giáo sư Lê Trần Bình, Viện công nghệ sinh học, cho biết. “Hiện gene của rùa tôi vẫn đang giữ. Trong thời gian tới, nếu tìm thấy cá thể nào có bộ gene trùng với cụ Rùa, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp sinh học tạo hậu duệ cho cụ Rùa”. Biện pháp mà ông Bình nói đến là lai tạo giữa sinh vật cùng loài.
Giáo sư Hà Đình Đức, người có kinh nghiệm 20 năm trong nghiên cứu về rùa hồ Gươm, khẳng định: “Chúng tôi chờ xem có loài nào cùng loài với cụ Rùa, chứ không còn cách nào khác. Rùa hồ Gươm là loài mới, được đặt tên là Rafetus, không cùng loài với rùa bên Trung Quốc hay rùa Đông Mô”.
Ông Đức cho rằng các biện pháp nhân bản vô tính hay giao phối đều là không thể. bởi khi hai loài khác nhau giao phối, trứng sẽ không thụ tinh và không nở ra con.
“Trường hợp nếu thành công, sinh ra cá thể con F1 nhưng thế hệ này sẽ không có khả năng sinh sản. Trên thế giới cũng chưa thấy nghiên cứu nào nhân giống hai loài rùa khác nhau, mà chỉ biết khi lừa đực giao phối với ngựa cái sẽ sinh ra con la; ngựa đực giao phối với lừa cái sinh con Hinny đều bất thụ”, ông Đức cho hay.
Giáo sư Mai Đình Yên, phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam, cho rằng vẫn có thể còn tồn tại những con rùa khác cùng loài rùa Hoàn Kiếm trên lãnh thổ Việt Nam chưa được tìm thấy.
“Cần tìm kiếm các khu vực vùng biển Thanh Hóa, và các tỉnh miền Trung hoặc các tỉnh miền núi trung du phía bắc – nơi có thể tìm thấy cá thể rùa cùng loài với rùa hồ Gươm”, giáo sư Mai Đình Yên nói. Ông cũng kêu gọi mọi người nếu phát hiện những con rùa lớn hoặc con giải thì thông báo với cơ quan chức năng để bảo tồn.
“Dù muốn hay không, cụ Rùa cũng như bao nhiêu sinh vật khác, một ngày nào đó sẽ chết, nên những nghiên cứu về giống loài của rùa tại Việt Nam là cần thiết để tuy trì nòi giống của cụ Rùa. Hơn nữa sinh vật này còn có giá trị tâm linh”, ông Yên nói.
Rùa hồ Gươm là một cá thể cái và được các nhà khoa học trong nước cho là thuộc loài hoàn toàn mới ở Việt Nam. Trong khi đó các nhà khoa học nước ngoài cho rằng Rùa này có các đồng loại ở Đồng Mô (Hà Nội) và Thượng Hải (Trung Quốc).
Rùa hồi đầu năm nay đã được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trên thân trong thời gian hơn ba tháng. Sau đó Rùa được trả về môi trường tự nhiên trong hồ, nơi người ta đã thả nhiều cá để làm thức ăn cho cụ. Khi đó Rùa có chiều dài toàn thân là 185cm; chiều rộng mai 100cm, chiều dài đuôi là 35cm, nặng 169kg.
Theo Vnexpress