Khoa học tìm ra hiện tượng “bỗng dưng muốn nhảy” khi bạn đứng ở trên cao

Khoa học tìm ra hiện tượng

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra hiện tượng tâm lý khiến nhiều người có cảm giác muốn nhảy xuống khi đứng ở 1 nơi cao.

Đã bao giờ khi đang ngắm cảnh sông nước từ trên một chiếc cầu cao, hay đứng trên tầng thượng tòa nhà bạn bỗng dưng cảm thấy… có gì đấy thúc giục mình nhảy xuống?

Cái sự thôi thúc này xuất hiện khi bạn đứng ở bất kì địa điểm nằm trên cao nào khác. Và giới khoa học đặt tên cho hiện tượng này là hiện tượng địa điểm cao (High Place Phenomenon – HPP).


Hiện tượng này là được gọi là hiện tượng địa điểm cao.

Các nhà nghiên cứu thuộc khoa tâm lí học, trường Đại học bang Florida đã tiến hành một nghiên cứu về cảm giác kì lạ này.

Khi bắt đầu nghiên cứu, họ nghĩ rằng có thể nghiên cứu này sẽ làm rõ hơn ý tưởng của Freud – bác sĩ về thần kinh và tâm lí rất nổi tiếng người Áo trong thế kỉ 20 về “bản năng chết” của con người.

Cụ thể, Freud đã cho rằng ngoài bản năng sống, con người còn có một bản năng mãnh liệt là được chết. Theo đó, khi cuộc sống quá khó khăn, không còn lối thoát, việc tự tử là một bản năng của chúng ta.


Khi cuộc sống quá khó khăn, không còn lối thoát, việc tự tử là một bản năng của chúng ta.

Ý tưởng này đã gây nên vô số tranh cãi. Vậy liệu hiện tượng HPP xảy ra có phải là vì chúng ta có nỗi khổ riêng và bản năng trỗi dậy thúc giục chúng ta tìm đến cái chết?

Hames và các đồng nghiệp đã thực hiện khảo sát với 431 sinh viên. Các sinh viên này được yêu cầu trả lời câu hỏi: đã bao giờ bạn đứng ở nơi cao và muốn nhảy xuống chưa?

Song song với đó, các nhà nghiên cứu cũng đánh giá độ ổn định tâm lí và mức độ nhạy cảm với những nỗi lo lắng của họ. Mức độ nhạy cảm với các nỗi lo ở đây không được xét trên phương diện tâm lí mà là trên phương diện thể chất: nhịp tim, độ dài hơi thở…


Một cây cầu kính bên vách núi của Trung Quốc.

Kết quả cho thấy, khoảng ¾ số sinh viên này trả lời rằng họ đã trải qua cảm giác “khát khao” muốn nhảy xuống khi đứng ở nơi cao. Tuy nhiên, mặt khác, đến 50% số sinh viên có câu trả lời rằng họ chưa bao giờ có ý niệm tự sát cũng trải qua HPP.

Như vậy, có thể nói, chúng ta muốn nhảy xuống không phải là vì chúng ta muốn chết. Sau khi đã loại được phương án này, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ở phương diện tâm lý học và đã đưa ra được câu trả lời cho HPP.

Theo đó, khi đứng ở nơi có độ cao lớn, áp lực tác dụng lên tai trong sẽ thay đổi, do đó, chúng ta sẽ bị mất thăng bằng, chóng mặt và cảm thấy như sắp ngã xuống.


Vì muốn sống, nên ta mới muốn nhảy.

Khi đó, bản năng sống còn của chúng ta sẽ vô thức làm ta lùi ra xa ngay lập tức. Sau đó, não bộ sẽ nhận thấy không có nguy hiểm từ bên ngoài (cầu có lan can…), vậy tại sao lại lùi lại bất ngờ như vậy?

Giả sử nếu chúng ta có ý định nhảy thật sự, vào thời điểm sắp nhảy xuống, cũng sẽ có những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm của não, chúng ta cũng sẽ lùi lại.

Như vậy, hành động lùi lại này sẽ rất có thể bị não “phiên dịch nhầm” thành vốn dĩ, chúng ta đã muốn nhảy xuống từ trên cao.

Nói cách khác, vì có hành động lùi lại trong vô thức (tức bản năng sống mãnh liệt), nên mới có HPP. Hay có thể nói, vì muốn sống, nên ta mới muốn nhảy.

Tốt nhất, chúng ta nên tránh xa những nơi cao nguy hiểm.

 

Theo Trí Thức Trẻ