“Khoe” con trên Facebook thế nào cho… nhân văn?!

Một số người bạn của tôi, họ được tiếp thu nhiều giá trị văn hóa phương tây và đã khuyên tôi rất nhiều điều thú vị trong cách nuôi và dạy con, tôi cảm thấy được mở mang ra rất nhiều nhờ họ. Nhưng có một điều mà tôi không đồng ý và không muốn làm theo, đó là việc họ khuyên tôi không nên đưa ảnh con mình lên Facebook, với lý do đó là quyền tự do cá nhân của con, rằng sau này phải đợi con lớn, hỏi ý kiến rồi mới đưa ảnh con ra công chúng. Thêm nữa, họ đề phòng những kẻ bắt cóc, ấu dâm… Họ còn bảo tôi, nghĩ sao khi sau này con lớn lên, có bạn trai/bạn gái, tra Google cũng ra ngay được cái ảnh trần truồng của nhau? Thế nhưng, có nhất thiết phải “quan trọng hóa” mọi thứ quá như vậy không, khi mà…

 

1. Giới thiệu con cái là một niềm vui chân chính

 

Tôi biết, tôi hiểu những nguy cơ mà những người bạn của tôi phân tích. Tôi cũng công nhận rằng sự mất an toàn đang rất cần được chúng ta báo động lẫn nhau. Nhưng lẽ nào vì tai nạn giao thông đang ở mức cao mà tất cả chúng ta không ai ra khỏi nhà làm việc? Việc những kẻ bắt cóc, ấu dâm, biến thái… truy lùng con cái của ta, nếu chúng đã thật sự xác định mục tiêu, liệu rằng chỉ bằng việc ta không đưa ảnh con lên Facebook, là đủ để giải quyết vấn đề hay sao? Tôi không nghĩ nói thế là tôi đang chủ quan, bởi lẽ chúng ta có nói bao nhiêu về những nguy cơ cũng đều là không đủ. Vì vậy, không nên để những nỗi lo lắng thái quá khiến chúng ta mất đi một niềm vui chân chính. Tôi gọi việc khoe con là niềm vui chân chính, bởi lẽ việc làm mẹ khiến tôi nhận thức và hành xử theo cách “con người” hơn bao giờ hết, bởi tôi biết mình có trách nhiệm để con học hỏi.

 

Ngoài vấn đề an toàn của con, một số người khác cho rằng việc đưa ảnh con lên Facebook có thể động chạm đến những mối quan hệ xã hội của chúng ta, bởi rất nhiều người không muốn sinh con, chưa có ý định sinh con… họ muốn ta cập nhật về cuộc sống chứ không thích việc cứ mở Facebook ra là thấy con của người khác, từ ảnh cười toe toét đến dán miếng cao hạ sốt. Nếu người bạn nào của tôi nằm ở trường hợp này, thì tôi đành phải chia sẻ chân thành, bạn ấy cứ thoải mái “unfollow” hoặc “unfriend” luôn nếu muốn. Nếu một người đã là bạn của ta, họ dù không thích thì cũng không đến mức phải khó chịu với những gì ta có. Không thể đến thăm nhà người khác và yêu cầu người ta sắp xếp lại nội thất theo ý mình, rồi đe dọa nếu không làm thế thì… cạch mặt luôn! Như vậy, vấn đề nằm ở phía cái người “đến thăm” cơ. Tốt nhất, tôi mong những người không ưa nhìn thấy ảnh con người khác trên Facebook, hãy giải quyết vấn đề tâm lý của chính mình thì hơn. Bởi lẽ, khi chính bạn không giải quyết được mâu thuẫn của mình, thì cả thế giới này đều trở thành bất ổn.

 

>>> Xem thêm:Cho con ăn bột là… có hiếu với mẹ chồng

 

2. Chúng ta không cần phải “tung hứng” tất cả những giá trị văn hóa của những quốc gia hiện đại hơn mình

 

Tôi tuyệt đối không phải người bảo thủ. Nhưng không phải tất cả những gì các bạn bè của tôi tiếp thu từ phương tây, tôi đều thấy tốt, trong đó có việc đăng ảnh con mình. Tôi đặc biệt khó chịu với những người nào lên án theo kiểu: ở phương tây, cha mẹ có thể bị bỏ tù về chuyện đăng ảnh nude của con lên Facebook; ở nước xyz xa xôi, cảnh sát có thể can thiệp để cách ly một người chưa xin phép để ôm, thơm… con người khác,…

 

Sẽ chẳng có vấn đề gì khi đăng 1 bức ảnh dễ thương của bé lên mạng xã hội, ngay cả khi bé “không mặc gì”.

 

Một bức ảnh nude với bộ phận sinh dục bị lộ ra ngoài, theo tôi chỉ xấu khi người ta có mục đích xấu hoặc khoe cơ thể một cách khiếm nhã. Bạn không thể chỉ trích tài liệu y khoa đăng ảnh về bộ phận sinh dục là vô văn hóa được. Có nghĩa là chuyện gì cũng có không gian và hoàn cảnh riêng của nó. Một em bé sơ sinh không thể bị xấu đi vì một bức ảnh trần truồng. Và việc bạn bè của các con, sau này có biết về những bức ảnh của nhau khi còn nhỏ, thì đó cũng chỉ có nghĩa là một bức ảnh của một em bé, chứ không có nghĩa là ảnh của cô/cậu thanh niên hiện tại. Nếu vì thế mà mỉa mai nhau, thì tôi cảm thấy nó hoàn toàn suy diễn, phức tạp và không đáng để bận tâm. Một cái thơm yêu, một vòng tay ôm đối với một đứa trẻ hoàn toàn không phải vấn đề gì to tát. Tất nhiên, tôi luôn nói rằng cảnh giác là cần thiết, nhưng cha mẹ và người nuôi dưỡng bé hoàn toàn phân biệt được điều này để bảo vệ con mình.

 

3. Nhưng tôi cũng không ủng hộ việc lợi dụng con để háo danh thái quá:

 

Cách đây khoảng một năm, tôi làm admin của một hội các bà mẹ nuôi con ở độ tuổi ăn dặm. Trong khi rất nhiều người hào hứng với việc thi xem bức ảnh nào của con ai được bấm “like” nhiều nhất thì tôi hoàn toàn phản đối. Tuy nhiên, các bà mẹ khác vẫn tổ chức cuộc thi trên Facebook cá nhân của họ. Và một màn chạy đua nhảm nhí bắt đầu.

 

Mỗi ngày tôi nhận được hàng chục tin nhắn, nhờ vả việc bấm like cho ảnh con của họ. Cuối cùng, chiến thắng thuộc về một người mẹ làm nghề dạy học, cô này nhờ các học sinh vào Facebook bấm like cho ảnh con mình! Tôi góp ý thì đều nhận được lời phản bác rằng con cái là tình yêu, là niềm vui, thi thố chút cho vui thì có sao. Rồi người chiến thắng cũng nhận được bao nhiêu tị hiềm và ganh ghét, các mẹ tố nhau mua like, tố nhau dùng like ảo, spam…

 

Tôi hoàn toàn không còn nghĩ đây là việc vô tư nữa. Trái lại, đây là việc các bà mẹ đã lợi dụng hình ảnh của con để “mua danh” cho mình. Khi vận động người khác like ảnh con mình để chiến thắng, phải chăng, ngấm ngầm chê trách con người khác xấu hơn con mình? Trẻ nhỏ đẹp đẽ ở nét trong sáng, ngộ nghĩnh, hồn nhiên. Vậy nên đứa trẻ nào cũng đẹp. Nó khác hoàn toàn với người lớn, đánh giá đẹp xấu theo đường nét hay số đo 3 vòng. Ta làm mất sự hồn nhiên của con, lại vô tình trở thành tấm gương xấu về sự ăn thua, tính toán, và hoàn toàn đáng bị cộng đồng lên án.

 

Thật khó để xác định ranh giới giữa việc giới thiệu con một cách vô tư, chia sẻ niềm hạnh phúc được làm mẹ, với việc đem con ra làm hình ảnh ăn thua, tính toán. Điều này, thực tế chỉ nằm trong cảm nhận và trình độ nhận thức của những người làm mẹ.

 

Nguyên Ân

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.