Lượng xe máy gia tăng nhanh chóng trên đường phố là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các đô thị lớn tại châu Á, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, đe dọa sức khỏe và chất lượng cuộc sống người dân.
Đó là lời cảnh báo từ nghiên cứu “Ô nhiễm không khí tại các thành phố châu Á” do Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) phối hợp với một số tổ chức môi trường công bố ngày 13-12.
Ô nhiễm và khói bụi tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Các nhà nghiên cứu khẳng định hiện nồng độ tập trung hóa chất PM10 (cực kỳ có hại cho sức khỏe và cuộc sống của con người) sản sinh từ khói xe máy đã tăng đến mức “nghiêm trọng” trong không khí tại Hà Nội, TP.HCM, Jakarta, Bắc Kinh… Đồng thời, khí NO2 và các loại khí thải khác cũng đang tăng lên nhanh chóng cùng với sự gia tăng số lượng xe máy.
Trong số 22 thành phố được khảo sát, UNEP xếp TP.HCM ở nhóm đô thị có năng lực quản lý chất lượng không khí mức “trung bình” nhờ nỗ lực giảm khí thải SO2. Trong khi đó, thủ đô Hà Nội rơi vào nhóm đô thị có năng lực “hạn chế” và cần cải thiện gấp khả năng quản lý chất lượng không khí cũng như tiếp tục nỗ lực giảm các loại khí thải.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là thủ phạm cướp đi sinh mạng của gần 600.000 người tại châu Á mỗi năm. Tiến sĩ Dieter Schwela, đồng tác giả công trình nghiên cứu, nhận định các thành phố ô nhiễm như Hà Nội hay TP.HCM cần học tập mô hình quản lý chất lượng không khí và môi trường của Tokyo hay Hong Kong. Nghiên cứu cũng đưa ra một số giải pháp cải thiện chất lượng không khí, bao gồm việc áp dụng những tiêu chuẩn về khí thải và chất lượng không khí nghiêm ngặt hơn, sử dụng các loại nhiên liệu sạch…
HIẾU TRUNG
Theo Tuổi trẻ