Không cho học sinh thi là bắt bố mẹ “thi”

Là Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học – giáo dục của UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi luôn nhớ lời Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: “Tư vấn và phản biện vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của Mặt trận Tổ quốc các cấp” và thấy không thể không lên tiếng về vấn đề này.

Thế hệ chúng tôi học chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn Kháng chiến chống thực dân Pháp, khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Tuy số lượng học sinh không đông như hiện nay nhưng nền nếp học tập rất đáng suy nghĩ, vì theo tôi tốt hơn hiện nay. 

Đó là không phổ biến tình trạng ngồi nhầm lớp. Học ít năm nhưng chất lượng học sinh đồng đều, hết cấp nào đều có thi cử đàng hoàng. Bất kỳ lớp nào, không chỉ hết cấp mà ngay trong một cấp nếu không đạt trình độ thì cần cho lưu ban. Tôi nghĩ như vậy mới là thương học sinh, để cho các em có sức học tương xứng với năm học. 

Tôi không đồng ý với kiểu tốt nghiệp cấp I, cấp II, cấp III với tỷ lệ đạt gần 100% như hiện nay. Nếu thực lực học sinh đúng như vậy thì tổ chức thi làm gì? Nhưng thực tế đâu có đúng như vậy? Thương học sinh kiểu này là làm khổ học sinh vì hạnh phúc của mỗi chúng ta là được trang bị những kiến thức cơ bản tất cả các môn dưới mái trường phổ thông. Những kiến thức ấy đi theo với chúng ta suốt cuộc đời.  


Ảnh minh họa

Tôi không đồng tình với việc thi tốt nghiệp THPT với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn. Trên thế giới người ta “Học gì thi nấy”, còn ta sẽ chắc chắn xảy ra tình trạng “Thi gì học nấy”. Rồi sẽ thấy hậu quả là các em sẽ lơ là các môn gọi là môn phụ. 

Các thầy cô giáo dạy các môn này sẽ cảm thấy thế nào khi học sinh nghiễm nhiên bỏ học hay ngồi đánh cờ ca-rô mà không thèm ghi chép gì hết (!). Tôi mong muốn lập lại chế độ có lưu ban và muốn làm được nghiêm chỉnh việc này cần có kiểm tra thường xuyên để lấy điểm ghi Học bạ. Không có lý gì trong điều kiện phát triển mọi  mặt như hiện nay mà chất lượng học sinh thua kém thế hệ chúng tôi trước đây. 

Tất nhiên sẽ có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng sẽ phải khắc phục với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ta chủ trương Phổ cập cấp II  (tôi vẫn không thông cách gọi THCS, THPT) – đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên chất lượng đầu vào vẫn phải bảo đảm. Cho nên việc đánh giá học sinh đầu cấp là chuyện vẫn phải làm, nếu không thi thì là xét Học bạ học sinh Tiểu học. Lại trở lại ý kiến của tôi là học sinh phải được kiểm tra thường xuyên và đều phải có Học bạ (với số điểm kiểm tra nghiêm túc thường xuyên).

Chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, có nghĩa là có cửa hàng bình thường, có cửa hàng cao cấp… Ai muốn vào cửa hàng nào thì vào cho hợp với thu nhập của mình, nhưng mọi người đều có đủ hàng hóa cần thiết cho cuộc sống. Những gia đình muốn có con em học ở những trường có chất lượng cao thì thay vì phải gửi đi nước ngoài (hoàn toàn bất lợi với học sinh nhỏ tuổi và lại rất tốn kém) họ có quyền chọn các trường có chất lượng cao. Khi cung không đủ cầu thì tất yếu phải có lựa chọn.

Nếu làm nghiêm túc Học bạ ở bậc Tiểu học (tôi chưa tin là đã có) thì có thể chỉ căn cứ vào Học bạ. Nếu không thì có thể kiểm tra theo cách gì đó để có thể đánh giá đúng năng lực học sinh mà không cần phải học thêm tràn lan (vì học thêm không có ích gì đối với kiểu kiểm tra này). 

Kiểu kiểm tra của Trường ĐHQG Hà Nội là một ví dụ đáng tham khảo, tất nhiên là theo tinh thần kiểm tra tổng quát kiến thức như vậy, chứ vào cấp II đâu cần dùng đến máy tính. Không cho học sinh thi thì mọi người nói vui là bắt bố mẹ thi. Bố mẹ thi kiểu gì thì chắc ai cũng hiểu. Sẽ xảy ra những tiêu cực xã hội rất đáng buồn và nhẽ ra không đáng có.

Thực tế công tác tuyển sinh đang diễn ra những ngày này ở các trường chuyên như Hà Nội – Amsterdam hay các trường dân lập như Lương Thế Vinh đang cho thấy qui định không cho thi tuyển đối với các trường này thì giống như đánh đố họ.     

Nguồn: Theo GS. Nguyễn Lân Dũng/Báo Đại Đoàn kết

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.