Giáo sư tâm lý học Richard Wiseman tại Đại học Hertfordshire (Anh) khẳng định: “Các kết quả của nghiên cứu đầu tiên cho thấy không có mối liên hệ nào giữa việc nói dối và chuyển động của mắt”.
Mối liên hệ đã được khẳng định giữa chuyển động của mắt và việc nói thật hay nói dối là yếu tố then chốt trong lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) – một phương pháp nhằm cải thiện cuộc sống của con người bằng kĩ thuật tâm lí.
Theo giả thuyết này, khi những người thuận tay phải nhìn sang bên phải, họ có thể đang hình dung ra một sự kiện tưởng tượng hoặc “được dựng lên”. Ngược lại, khi những người này nhìn sang bên trái, họ có thể đang mường tượng lại quá khứ “đã được ghi nhớ”. Do đó, khi những người nói dối dựng chuyện, họ có xu hướng nhìn sang bên phải.
Không có mối liên hệ nào giữa việc nói dối và chuyển động của mắt.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại Đại học Edinburgh (Scotland) và Đại học Hertfordshire đã tiến hành các thử nghiệm và chỉ ra rằng giả thuyết này là sai.
Trong thử nghiệm, các tình nguyện viên được quay phim, chuyển động mắt họ cũng được ghi lại khi họ nói thật và nói dối.
Sau đó, một nhóm các tình nguyện viên thứ 2 đã được yêu cầu xem các đoạn phim này và cố gắng phát hiện ra những lời nói dối khi nhìn vào chuyển động mắt.
Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Caroline Watt từ Đại học Edinburgh cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi không chứng minh được bất cứ điều gì cho ý tưởng này, vì thế cho rằng đã đến lúc cần phải loại bỏ phương pháp nhằm phát hiện sự dối trá này”.