Đôi khi, chỉ mới có 1 “cậu nhóc” thôi là đã đủ khiến nhiều mẹ “phát mệt” rồi. Nhưng nếu trong nhà có tới 3 cậu nhóc như vậy thì xoay xở thế nào nhỉ? Hãy cùng trò chuyện với bà mẹ trẻ đưới đây – chị Thu Huyền (Hà Nội) – để thấy cuộc sống ngoài những vất vả, bận rộn,… thì còn nhiều điều thú vị như thế nào nhé!
Mình có hai bé sinh đôi năm nay 4,5 tuổi, tên ở nhà là Bun – Beo và một em bé năm nay mới 1 tuổi rưỡi, tên là Boeing. Khi mới chỉ có Bun – Beo, mỗi lần dẫn “các bạn ấy” ra ngoài chơi là mình thường xuyên được nghe những người xung quanh trầm trồ: “Hai bé nhà mình sinh đôi à? Trông đáng yêu quá!…”. Mặc dù lúc đó đang trong tình trạng “ống thấp ống cao”, quần áo xộc xệch, đầu tóc rũ rượi vì những trò nghịch tai quái của hai quỷ nhỏ, nhưng mình luôn cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Mình nhận ra làm mẹ đã là một điều kỳ diệu thì làm mẹ của một cặp sinh đôi còn kỳ diệu hơn nhiều.
Nhưng khi nhà đông con, mà toàn là bé trai, bạn có thể tượng tượng được không nhỉ?
(Cười) Bạn sẽ bị “tăng xông” thế nào khi thường xuyên chứng kiến cảnh “náo nhiệt”, khi hai đứa chạy rầm rập rầm rập từ phòng này sang phòng khác. Nếu không chạy thì hai đứa lại leo lên hai chiếc xe máy đồ chơi rồi phóng ào ào theo nhau và… đâm sầm vào mẹ đang chân thấp chân cao quay cuồng với một núi việc không tên trong nhà bếp, làm cho mẹ đau điếng. Càng la hét chúng ra ngoài phòng khách thì chúng càng phản ứng dữ dội. Thế mà đột nhiên thấy rất lặng lẽ thì chắc chắn là một sự im lặng đáng sợ. Không sai, nhìn ra phòng khách, thế nào cũng thấy hai đứa đang đu đeo trên song cửa ra ban công như… hai con khỉ! Hay là cảnh hai chàng đang đứng trên ghế sô pha, mà đứng trên ghế sô pha không có nghĩa là đứng thông thường đâu, mà đứng trên thành lưng ghế và bắt đầu nhảy xuống kiểu “một cảm giác thật là yomost”. Mình có la hét cấm chúng không được làm như thế thì chúng càng hô hào nhau cùng thực hiện các trò phá phách khác.
Hay là cái cảnh “náo loạn” như thế này: Mình hét toáng lên: “Xuống ngay!” khi thấy thằng anh còi dí đang vắt vẻo trên cửa sổ, chỉ dùng một tay cầm song sắt, tay kia bận cầm kiếm chém loạn xạ vào thằng em, còn thằng em thì đang đứng ở mép giường ra sức chọc vào nách thằng anh. Hai thằng chỉ cần buông tay, quá đà là ngã đập đầu xuống nền nhà. Tiếng mình hét chắc là cả xóm làng đều nghe thấy, thằng út nghe mẹ quát tưởng bị mẹ mắng cũng khóc thét, hai con chó nhà ông ngoại nghe tiếng ồn cũng giật mình sủa um lên (cười).
– Vừa đi làm, vừa chăm sóc 3 bé mà không có giúp việc, có bao giờ chị cảm thấy quá sức không, những vất vả nhất mà chị gặp phải là gì ạ?
Nói chung không phải vất vả mà là cực kỳ vật vả, nhưng mình đã có một số bí quyết giắt lưng thế này:
1. Đối sách với các bé sinh đôi: Cùng một lúc nuôi hai đứa bé giống nhau, cùng ăn cùng ị… sẽ gây rất nhiều chuyện… dở khóc dở cười. Chẳng hạn, ở nhà mình bà ngoại thì già, cộng với việc trí nhớ của mình có phần sụt giảm sau khi sinh. Chuyện hài hước đầu tiên là do tính đãng trí của bà ngoại: có lần vừa cho Bun ăn xong, một tiếng sau lại cho Bun ăn tiếp vì cứ nghĩ lúc trước là Beo ăn. Thế là một chàng đang no kềnh bụng mà bà cứ ép mặc cho Bun khóc như mưa, trong khi em Beo cũng đang khóc như lụt vì đói.
Cảnh rối như canh hẹ là “chuyện thường ngày ở huyện” trong nhà mình!
Chính từ những câu chuyện cười ra nước mắt đó nên mình đã phát kiến ra cuốn sổ ghi chép với cái tên mỹ miều: “Nhật ký tình yêu”, nhưng thực chất chỉ là “NHẬT KÝ ĂN Ị CỦA BUN BEO”, trong đó ghi chi tiết hàng ngày Bun Beo ăn ị như thế nào, ngày biết nói chuyện, biết ngóc đầu, biết lật… Cuốn sổ này giúp cho mình giảm tần suất nhầm lẫn, đồng thời nó sẽ trở thành kỷ vật sẽ theo các con sau này.
Mặc dù Bun Beo cùng nối chung một cuống rốn, cùng chung một nguồn dinh dưỡng và chen chúc nhau một thời gian dài trong cái bụng chật hẹp của mẹ, nhưng chúng hoàn toàn không phải hai giọt nước. Vì sinh trước mấy phút nên Bun được gọi là anh. Nhưng đúng là “anh ấy” xứng đáng được gọi là anh vì chuyên đầu têu nghịch phá. Suốt ngày anh ấy chỉ đạo: “Beo ơi, làm thế này đi; Beo ơi, làm thế kia,…” Thằng em chậm chạp mắt mũi lại kém nên toàn bị thằng anh “chơi đểu” (cười).
Thằng anh phân vai thế này: Beo giả vờ làm con cá, Bun câu lên rồi đánh chết để ăn thịt. Thế là thằng em nằm im như chết để cho thằng anh đánh lấy đánh để. Còn có vai như thế này nữa: Beo giả vờ làm con chó Tony, còn Bun làm ông ngoại (con Tony hay cắn dép tha đồ lung tung nên hay bị ông ngoại đánh). Thế nên màn nào cũng có cái cảnh Beo nằm bẹp và bị thằng anh đánh cho tơi tả. Lạ lùng ở chỗ không bao giờ thằng em có ý kiến ý cò về việc đổi vai.
Thế nên để đối đầu với các trò nghịch tinh quái của các con, mình chỉ cần điều chỉnh anh Bun thủ lĩnh: chỉ cho Bun các trò chơi theo hướng hoà bình, đoàn kết, tránh “huynh đệ tương tàn”. Hơn nữa các bé sinh đôi luôn có tinh thần đồng đội, chỉ cần tóm được “kẻ đầu đàn” của các trò quấy phá thì tự dưng trò chơi sẽ kết thúc.
2. Tìm người hỗ trợ: Các bà mẹ thường khuyên nhau sau khi sinh phải thỏa thuận ngay với chồng: “Em cho anh lựa chọn giữa việc cho con bú và rửa bát đũa, lau nhà, giặt quần áo,… anh chọn đi”. Đàn ông thì hay ỉ lại mọi việc, rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, về đến nhà là ôm ngay cái ti vi còn để vợ sấp sấp ngửa ngửa với việc nhà.
Nhưng khi sinh hai bé sinh đôi Bun – Beo thì mình đã không “dụ” được chồng làm việc nhà bằng chiêu độc ấy, đơn giản vì mình không có đủ sữa nên phải nuôi con bằng sữa ngoài. Thế nên việc cho con bú không còn là lợi thế độc quyền của phụ nữ nữa. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, mình phát hiện ra là mình có một cộng sự khá đắc lực trong việc chăm sóc con cái, đó là chồng vì anh ấy rất yêu trẻ con và tình nguyện chăm sóc con cái mà không cần vợ phải “năn nỉ”.
Nhưng cũng luôn phải chuẩn bị tinh thần là đàn ông chăm con đôi lúc không có sự linh hoạt, mềm mỏng, kiên nhẫn của phụ nữ, nhưng đừng vì thế gạt phăng chồng ra khỏi việc chăm con cái nhé.
Vì như nhà mình luôn có cảnh này vào mỗi buổi chiều tối: Bố đi làm về, ba đứa chạy ra hớn hở: “Bố đi làm về rồi!!!”. Ông bố vứt cái cặp táp xuống ghế và gọi: “Bun, Beo, Boeing đâu vào phòng chơi với bố”. Ba đứa cắp nách hai cái xe ô tô lũn chũn chạy theo bố vào phòng trong. Rồi ba bố con nghe rất rộn ràng, nào là hai cục giống của bố, cục vàng, cục bạc hay đại loại là những từ nào mỹ miều quý giá nhất; nào là hai đứa hôm nay ở nhà có ngoan không, có làm tội ông bà không… Còn hai đứa chắc là đang nhọn môi phồng mỏ kể lể.
Được một lúc, rất yên tĩnh, rất lặng lẽ, chắc lúc này ông bố đã nằm khểnh xem tivi để mặc hai đứa chơi với nhau. Thế rồi, một chốc đã thấy Beo ré lên, chắc là tranh đồ chơi bị anh Bun còi “tẩn” cho, tiếng bố la hét Bun, Beo mỗi đứa ngồi một góc, không được đánh nhau. Một chốc có vẻ hòa bình lập lại. Bố lại vểnh râu xem chương trình yêu thích… Một chốc nữa lại nghe om sòm trong phòng và một đứa bị bố đuổi ra ngoài mếu máo khóc với mẹ. Biết ngay mà, “bốn đứa này” không ở với nhau được lâu đâu, ở lâu thêm chút nữa thì các cục vàng của bố không biết thành… cục gì nữa???
Khi sinh đứa thứ ba thì mình có thêm hai cộng sự đắc lực và “nhiệt tình một cách đáng sợ”. Bất kỳ lúc nào mẹ nhờ chuyện người lớn: hai đứa trông em cho mẹ một chút để mẹ nấu ăn thì thế nào hai chàng “tí hon” kia cũng dạ râm ran. Xem các chàng chăm em thế nào nhé!
Em đang mút tay chụt chụt trông rất ngon lành, anh Beo hét lên: “Không được bỏ tay vào mồm, bẩn lắm!”. Rồi anh ấy trừng mắt dọa: “Có biết con vi trùng trong sách không? (Bố hay đọc sách giữ gìn vệ sinh cá nhân cho hai đứa nghe). Nó chui vào bụng làm đau bụng phải đi khám bác sỹ đấy”. Khổ thân em út không hiểu anh nói gì nhưng anh hét to quá giật mình khóc thét lên.
Lần khác, mẹ nhờ hai anh chơi với em. Chỉ một lát sau vào phòng thì thấy thằng em út đang khóc ngặt nghẽo, còn hai anh ra sức tranh nhau bịt mũi thằng em. Hai thằng anh “trời đánh” mách lẻo ngay với mẹ: “Em Boeing đánh rắm thối lắm, con phải bịt mũi cho em, mẹ à”…
Giao em cho các chàng đấy mà không có mẹ, bất kỳ một sự ồn ào náo nhiệt hay một sự im lặng nào cũng làm cho mẹ đau tim. Nhưng mình vẫn lựa chọn cho các chàng đấy chơi với nhau vì việc tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, vì không những gắn kết quan hệ cha con, tình yêu thương giữa anh em trong nhà, mà còn giúp người cha có thêm những kỹ năng tốt cho công việc của mình như tính kiên nhẫn, mềm mỏng, hòa đồng, vui vẻ; đồng thời trẻ cũng được tạo cảm giác an toàn và phát triển toàn diện hơn khi gần gũi với người cha, như có tính tự lập, cương quyết, biết tự chăm sóc mình…
3. Linh hoạt thay đổi các tiêu chuẩn trong nuôi dạy con cái: Lúc mới có Bun – Beo, trong phòng ngủ của mình không có một thiết bị điện tử nào như tivi, điện thoại,… sau khi đọc một loạt các bài viết về ảnh hưởng của nó tới não bộ cũng như khả năng tiếp nhận thông tin của trẻ. Mình đã thề là làm mọi việc có thể để tạo ra cuộc sống “hoàn hảo” cho các con và hy vọng con sẽ trở thành giáo sư, tiến sỹ trong cơ thể cường tráng của lực sỹ.
Nhưng khi bé Boeing chào đời, mình tuy vẫn mong muốn nuôi dạy con theo các quy chuẩn, vẫn tiếp tục “tha” về hàng loạt các cuốn sách nuôi dạy con, nhưng khi mình cầm được sách thì đã quá nửa đêm, hai con mắt đã đòi… đoàn tụ. Cuốn sách cứ đưa lên đưa xuống hàng đêm mà không thể qua nổi trang mở đầu. Rốt cuộc mình trở thành người mẹ theo bản năng từ lúc nào không hay. Từ lúc nào, thỉnh thoảng mình cũng dùng tivi, điện thoại, iPad như cứu cánh cho bọn chúng chơi để mẹ có chút thời gian uống nước chẳng hạn.
– Bận bịu như vậy, nhưng chị vẫn có thể tự làm rất nhiều món đồ chơi cho con. Vậy chị sắp xếp thời gian như thế nào? Khi hoàn thành 1 món đồ chơi mới, các bé có tỏ ra vô cùng hào hứng không?
Chỉ đơn giản là hai từ “tranh thủ”, mình tranh thủ làm mọi lúc, mọi nơi hay bất cứ khi nào có thời gian. Buổi sáng, khi chồng mình chở cả nhà đi học, đi làm; rồi một tiếng giữa giờ nghỉ trưa và buổi tối nếu hôm nào bọn trẻ con ngủ sớm, mình đều có thể tranh thủ để hoàn thành các sản phẩm đồ chơi cho các con.
Món đồ chơi xinh xắn chị Huyền tự làm cho 2 con.
Ngắm các con vui chơi với những thành quả của mình và lắng nghe lời khen của con: “Mẹ ơi đẹp quá! Mẹ ơi thích quá!…” Rồi liên tiếp nhận được những “đơn đặt hàng” kiểu như: Mẹ may con gián cho con! (cái này thì mẹ chịu – cười) để con đánh nó, mẹ may máy bay Boeing 777 (đơn đặt hàng này to quá, mẹ sẽ cố gắng đáp ứng). Bạn sẽ trở nên nghèo nàn về thời gian nhưng sẽ làm cho ký ức về mẹ giàu hơn trong tâm hồn bé!
– Tự làm đồ chơi có khó không? Những món đồ đó chị tự mày mò hay học được từ đâu ạ?
Mình làm bạn với “anh Gu gồ” thôi, “anh ấy” có nhiều bí quyết lắm! Quan trọng là các mẹ phải hết sức kiên trì, sản phẩm đầu tiên có thể không được như mong muốn nhưng các sản phẩm tiếp theo sẽ dần dần được hoàn thiện.
– Vì sao chị lại muốn tự tay làm đồ chơi cho bé khi có thể mua ngoài cửa hàng rất nhiều món đồ với mẫu mã đẹp mà không tốn thời gian? Chị có nghĩ mỗi bà mẹ đều nên tự làm đồ chơi cho con thay vì đi mua không?
Có lần mình đọc cuốn sách “Bố kính yêu” nằm trong tập truyện “Tò mò quá” có nội dung thế này: Chuột nhắt Suariso rất buồn vì bố mình bé quá. Nhiều lúc cậu ước bố giống như Bố ngựa có thể phi rất nhanh thoát khỏi móng vuốt của mèo, có lúc chú ước bố mình là gấu có bộ lông ấm áp để chú có thể nằm cuộn tròn trong đó… Cuối cũng Suariso đã nhận ra rằng, bố mình thật tuyệt vời vì bố có thể làm cho cậu cười như nắc nẻ trước cảnh bà chủ nhà nhảy lên ghế khi bố chạy qua… Nghe xong, các con tự hào nói với mẹ: “Bố của chúng con cũng rất tuyệt vời”. Mẹ sung sướng hỏi “Vì sao?” thì các chàng đưa ra một lô một lốc lý do: Vì bố đưa con đi học, bố cho con ăn, bố chơi với con… Thậm chí cả việc… vệ sinh cho con sau khi ị cũng được các nhóc đưa vào danh sách những việc làm “vĩ đại” của bố.
Thế thì việc “làm đồ chơi cho con” trong mắt bọn trẻ con là một việc vĩ đại đến mức nào. Đó chính là động lực to lớn để mình kiên trì đến cùng mục tiêu tự làm đồ chơi cho con.
Mình không có lời khuyên nào với các bà mẹ vì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh công việc của từng người. Nhưng mình chỉ muốn chia sẻ một câu chuyện thơ ấu của gia đình mình. Hồi bé nhà mình không có điều kiện lắm, cũng không phải chỉ nhà mình mà gần như là khó khăn chung của thời đó. Mẹ đẻ dày, bốn năm ba đứa nên cũng không có điều kiện chăm sóc cho từng đứa nhiều. Suốt cả thời thơ ấu, mình không nhớ nổi có món đồ chơi nào bố mẹ mua cho.
Trong ký ức của cô bé 5 tuổi chỉ có cái cảnh bố mẹ lúi húi dưới ánh đèn điện tù mù (vì dùng bóng nhỏ Oát để tiết kiệm điện), bố cắt áo quần cho các con từ quần áo cũ của bố mẹ, còn mẹ thì khâu vá và ba đứa con ngồi hào hứng với những mảnh vải thừa
Đến bây giờ mình vẫn nhớ rõ mồn một cái cảm giác ấm áp khi cả nhà cùng làm bên nhau
Đối với một đứa bé, có thể nhiều lúc không phải là những món quà xa xỉ, mà nhiều khi cái mà bố mẹ tự làm cho con là những mảnh ký ức theo suốt cuộc đời
Bây giờ đồ chơi rất nhiều và nhà mình cũng không đến nỗi không thể mua cho con vài món đồ chơi đắt tiền. Nhưng mình vẫn muốn tự làm cho con để mỗi lần chơi chúng nhớ rằng mẹ yêu chúng biết nhường nào. Thỉnh thoảng mình cũng vừa ngồi chơi với con và vừa may vá, bọn trẻ con thỉnh thoảng lại hỏi: “Mẹ ơi sắp xong chưa? May lâu mẹ nhỉ? Mẹ có mỏi không?”. Bạn sẽ thấy không gì hạnh phúc hơn việc mình tự làm cho con một món quà dù bé nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn lao.
Thiên An
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.