Ai cũng biết rằng chuyện ấy quan trọng trong hạnh phúc vợ chồng. Nhưng không phải vì thế mà người phụ nữ phải cố gắng ép mình duy trì ham muốn để phục vụ chồng trong khi bản thân còn chưa biết sống chết thế nào?
Đọc chia sẻ của chị Hoàng Thị Liên (TP.HCM), tôi thấy bực mình. Bản thân chị đang mang bệnh, bác sĩ bảo mổ mới cứu được mạng sống; có lẽ nếu tôi là chị, tôi sẽ lên bàn mổ ngay.
Đằng này chị còn cố lo xem sau khi mổ chồng có chán chị không? Chị muốn mình hoàn toàn khỏe mạnh để nuôi con hay chị chỉ muốn mình khỏe mạnh để chiều chồng chuyện ấy.
Theo tôi được biết bệnh của chị Liên như chị kể thì chưa biết có phải u ác tính hay không mà phải chờ kết quả xét nghiệm tế bào sau mổ. Nhưng các bác sĩ đã lo lắng cho sức khỏe của chị, sợ chị bị ảnh hưởng sang ung thư nên khuyên chị nên phẫu thuật dự phòng chống ung thư.
Đây là phương pháp cắt bỏ một phần cơ thể có thể gây ung thư sau này. Điều này đã được nghiên cứu và tôi thấy hoàn toàn tốt, chính xác.
Khi cắt bỏ buồng trứng, phụ nữ thường mất hormone estrogen do buồng trứng bài tiết ra. Chính vì thế mà chuyện phòng the cũng rơi vào trạng thái “mãn kinh” vậy. Nếu phụ nữ trẻ gặp phải trường hợp này thì đều không còn nhiều ham muốn nữa. Biết được điều này, người chồng cũng nên thông cảm cho vợ thay vì ép vợ phải cố chiều.
Tôi là người phụ nữ độc thân, cách đây 6 năm tôi cũng làm phẫu thuật u vú. Tôi cũng giống chị Liên phải cắt bỏ dự phòng một bên ngực. Tôi hoàn toàn đồng ý mặc dù lúc đó tôi mới có 31 tuổi.
Tôi biết cắt một bên ngực tương đương với khả năng tôi sẽ cô đơn suốt đời này. Nhưng tôi rất thẳng thắn.
Tôi còn bố mẹ, còn người thân của mình chứ không phải vì ích kỷ nhỏ nhen sợ không có người đàn ông nào để ý mà không dám làm phẫu thuật.
Đàn ông không nên quá ích kỷ, coi trọng chuyện chăn gối. Ảnh minh họa |
Từ sau khi làm phẫu thuật, chuyện tôi mất một bên ngực ai cũng biết và nhiều người thường trêu tôi ái nam, ái nữ. Nhưng tôi thấy mình không cần phải để ý đến những lời nói từ bên ngoài.
Cùng đợt làm phẫu thuật với tôi, có nhiều chị cũng phải cắt bỏ ngực. Lúc đó chưa có phương pháp mổ bảo tồn. Sau khi cắt bỏ, họ đều than thở với bác sĩ rằng chồng chê, chồng chán, thậm chí có chị sau điều trị ung thư là ra tòa vì những người chồng quá ích kỷ.
Từ những băn khoăn của chị Liên cũng như những stress của chị Thủy chúng ta nên nhìn thẳng rằng đàn ông hiện nay quá ích kỷ. Chỉ vì họ ích kỷ, quá coi trọng chuyện tình dục nên người phụ nữ cũng cố chạy theo suy nghĩ phải chiều chồng.
Điều trị bệnh xong, ai cũng cần sự giúp đỡ của người thân nhưng người chồng vì cảm xúc bản thân mà quên mất gia đình.
Đi mổ về, chồng chị chán chị và tìm đến người phụ nữ khác. Chị có thể ly hôn và khỏe mạnh nuôi con mình. Nếu cứ để bệnh kéo dài, tôi e mạng sống của chị còn khó giữ huống chi đến hạnh phúc gia đình.
Nếu chồng chị là người đàn ông yêu thương gia đình, tôi nghĩ anh ta sẽ không chán chị đâu mà còn ủng hộ chị.
Nhưng nếu đó là người đàn ông ích kỷ, phụ nữ cũng nên nhìn thẳng vào vấn đề họ không chấp nhận vợ là người đàn bà khiếm khuyết.
Chắc tôi đưa ra ý kiến này mọi người sẽ chê cười, ném đá vì cho rằng tôi sống độc thân lại lên lớp dạy mọi người về hạnh phúc gia đình. Nhưng đây là ý kiến của cá nhân tôi và dựa trên những điều tôi biết về bệnh này.
- Nguyễn Thị Bích (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)