Vì sao bạn nghỉ việc?
Khi bạn đã có quyết định nghỉ việc thì hẳn là bạn đã có một tá rắc rối đến từ công việc mà bạn đang đảm nhiệm. Nhưng hãy thử tìm ra một nguyên nhân chính khiến bạn không muốn tiếp tục công việc này nữa: Vì khách quan hay chủ quan? Do phía công ty hay do chính bạn?
Có nhiều nguyên nhân khiến công việc của bạn không được như bạn mong muốn: Bất hòa với đồng nghiệp, bất đồng ý kiến với sếp, bạn không thích cách quản lý của công ty, bạn không thấy mình có tương lai phát triển sự nghiệp ở đây hay thực sự bạn thấy mình không phù hợp với công việc?
Trong thời buổi kiếm một việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn thì rất khó, nhất là đối với thực trạng dạy nghề học nghề trong các trường đại học ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập, thì việc bạn làm trái ngành nghề cũng không có gì là phiền toái. Nếu vấn đề đến từ phía công ty, một số quy chế khiến bạn thấy không thoải mái, hoặc đồng nghiệp có vấn đề thì bạn hãy cố gắng thêm một lần nữa, lắng nghe và hòa nhập với họ. Tự hỏi mình “Vì sao họ lại hòa nhập được với môi trường công ty còn mình thì không?”, nếu như bạn đã rất cố gắng mà vẫn không thể tiếp tục với công việc, lại thêm công việc đó không thể gây hứng thú cho bạn, thì lúc đó quyết định nghỉ việc của bạn là sáng suốt.
Sau khi nghỉ bạn sẽ làm công việc này hay sẽ theo đuổi một công việc khác?
Tự hỏi mình “Đây có phải là công việc mình yêu thích không? Mình thích làm gì nhất?”. Có rất nhiều người vì miếng cơm manh áo mà làm việc chứ không phải vì họ có đam mê với công việc đó. Tư tưởng “việc gì cũng được” sẽ khiến bạn không thể làm được việc gì ra hồn bởi vì đơn giản là công việc đó không thuộc về bạn, không phải là thứ bạn có thể hết sức dốc lòng thì chẳng sớm thì muộn, bạn cũng sẽ chán nó và lại quyết định nhảy việc tiếp.
Bạn dám chắc công việc mới sẽ khiến bạn thoải mái hơn chứ?
Bạn có công việc mới rồi, có công ty khác rồi, mọi thứ setup đâu vào đấy, chỉ chờ bạn nghỉ việc ở công ty cũ là có thể vào vị trí mới làm luôn. Hãy bớt hân hoan một chút và suy nghĩ về những rắc rối bạn sẽ gặp phải, những lo xa sẽ không thừa đâu. Trên thực tế tất cả mọi công ty đều có những bất cập riêng, không vì đồng nghiệp thì cũng vì công việc, áp lực là việc không thể tránh khỏi. Việc bạn vừa thoát ra khỏi một công ty “tồi” không có nghĩa là bạn sẽ tìm được một công ty tốt hơn. Hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để đương đầu với những khó khăn trong việc hòa nhập và hoàn thành tiến độ công việc ở một môi trường mới tinh.
Hãy thông báo với cấp trên trước khi bạn nghỉ việc
Nếu bạn muốn nghỉ việc, hãy thông báo cho cấp trên của mình biết quyết định của mình trước khi nói chuyện với đồng nghiệp. Ông chủ của bạn sẽ là người biết đầu tiên, điều đó chứng tỏ sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của mình đến giây phút cuối cùng ở công ty cũ. Nên báo trước một tháng để phòng hành chính nhân sự có thời gian tìm kiếm người mới thay thế vị trí của bạn.
Không nên nói xấu công ty cũ của mình dù sự thực là nó rất tệ!
Đến công ty mới, điều tốt nhất bạn nên làm là tuyệt đối không nói xấu công ty cũ của mình dù cho nó rất tệ sẽ chẳng một nhà tuyển dụng nào hoan nghênh một nhân sự mới vào mà có thái độ “ăn cháo đá bát” công ty cũ cả. Họ sẽ hình dung ra một ngày không xa, nếu bạn nghỉ việc tại đây, có lẽ bạn sẽ lại bô bô kể xấu công ty hiện tại, vì thế chớ dại mà nói xấu công ty cũ cho dù bạn đã nghỉ việc nhé!
Xuân Thanh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.