Nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh hơn các tiên đoán của giới khoa học. Các chuyên gia tin rằng tình trạng băng tuyết tan chảy trong Bắc Băng Dương đã tới giai đoạn không thể đảo ngược được nữa.
Băng tại Bắc Cực năm 1979. Ảnh: NASA. Diện tích bao phủ của băng giảm đáng kể vào năm 2005. Ảnh: NASA. |
Băng tuyết của Bắc Băng Dương đang biến mất nhanh đến mức khó tin. Trong tháng 9/2007, băng tuyết chỉ còn bao phủ một diện tích bằng nửa châu Âu. Theo tính toán của Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ, so với khoảng thời gian giữa thập niên 80 và 90, Trái đất đã mất gần 40% lượng băng tuyết. Trong mùa hè năm 2007, nhiệt độ vùng eo biển Bering tăng cao hơn mức trung bình 5 độ C. Đây là mức chênh lệch lớn nhất trong lịch sử.
Bắc Cực biến đổi nhanh hơn dự báo của các mô hình khí hậu toàn cầu. Tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng không thể giải thích hiện tượng này. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, Na Uy và Đức đã hé mở nhiều điều mới mẻ. Các chuyên gia cho biết, tuần hoàn khí quyển ở phương bắc đã thay đổi hoàn toàn vào đầu thập niên này. Sự biến đổi khí hậu đột ngột mang nhiều luồng khí nóng đến Bắc Cực và là động lực chính dẫn tới những biến đổi khí hậu đang xảy ra tại đây.
Nhóm nghiên cứu không loại trừ khả năng khí hậu trong vùng Bắc Cực đã vượt quá điểm giới hạn nên không thể đảo ngược lại được nữa. Băng tuyết sẽ tan hoàn toàn trong mùa hè. Một đại dương không có băng sẽ hấp thụ ánh sáng Mặt Trời nhiều hơn. Nhiệt độ của đại dương sẽ tăng lên thay vì phản chiếu lại các tia nắng khi có lớp băng giá bao phủ.
“Trong trường hợp của băng tuyết vùng Bắc Cực, chúng ta đã vượt quá cái được gọi là điểm không thể đảo ngược”, nhà nghiên cứu khí hậu nổi tiếng người Mỹ James Hansen, giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của NASA, nói.
Nhà vật lý học Rüdiger Gerdes, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, cho rằng băng tuyết Bắc Cực sẽ “biến mất nhanh chóng, nếu như mô hình biến đổi khí hậu hiện nay tiếp tục tồn tại”. Tuy Bắc Băng Dương sẽ vẫn đóng băng trong mùa đông, nhưng lượng băng tuyết hình thành quá ít để có thể tồn tại qua mùa hè.
James Overland, chuyên gia của Phòng nghiên cứu môi trường biển Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho rằng, ngay cả khi sự tuần hoàn ở Bắc Cực lại trở về trạng thái bình thường (hiện tượng này chỉ xuất hiện 10 năm một lần) thì khu vực này vẫn khó có thể quay trở lại trạng thái ban đầu
“Cứ mỗi lần như vậy, chúng ta mất nhiều băng tuyết đến mức Bắc Cực không thể trở lại trạng thái ban đầu được nữa. Một kỷ nguyên mới của biến đổi khí hậu đã bắt đầu với những thay đổi to lớn ở cực bắc của địa cầu”, James nhận định.
Theo VnExpress (Spiegel Online)