Khủng hoảng sinh thái đe dọa tiểu vùng Mekong

Khủng hoảng sinh thái đe dọa tiểu vùng Mekong

Giới khoa học liên tục phát hiện những loài sinh vật mới ở tiểu vùng sông Mekong mở rộng, song khu vực này cũng sắp đối mặt với khủng hoảng sinh thái, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (WWF) cảnh báo.

>>> Quản lý thảm họa cho các nước hạ nguồn sông Mekong

Khủng hoảng sinh thái đe dọa tiểu vùng Mekong
Một người dân đánh cá trên bờ sông Mekong. (Ảnh: britannica.com)

Một báo cáo của WWF, được công bố hôm qua, cho biết, những loài sinh vật mới liên tục lộ diện tại tiểu vùng Mekong mở rộng. Chẳng hạn vào năm ngoái giới khoa học phát hiện 208 loài mới tại tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Nếu tính trung bình thì cứ gần hai ngày các nhà khoa học phát hiện một loài mới tại đây. Trong số các loài mới được tìm thấy có 145 loài thực vật, 28 loài bò sát, 25 loài cá, 7 loài lưỡng cư, hai loài thú và một loài chim.

Nhiều loài, như khỉ mũi hếch tại bang Kachin của Myanmar, là động vật quen thuộc đối với người dân địa phương, song lại không hề được ghi nhận trong bất kỳ tài liệu khoa học nào. Một loài nhông cát được phát hiện tình cờ khi các nhà khoa học đọc thực đơn trong một nhà hàng tại Việt Nam. Leiolepis ngovantrii, tên của loài nhông trinh sản, có thể sinh sản mà không cần con đực. 5 loài cây nắp ấm ăn thịt được phát hiện tại Thái Lan và Campuchia.

Báo cáo mô tả tiểu vùng sông Mekong mở rộng là “một trong những khu vực cuối cùng trên hành tinh mà con người còn có thể tìm thấy các loài mới”. Tuy nhiên, WWF cũng khẳng định hệ sinh thái của vùng đang chịu áp lực ngày càng lớn từ con người.

Khủng hoảng sinh thái đe dọa tiểu vùng Mekong
Nhông cát trinh sản Leiolepis ngovantrii được phát hiện tình cờ tại Việt Nam.

Sarah Bladen, người phát ngôn của WWF tại tiểu vùng Mekong mở rộng, nói rằng khu vực này vẫn có nguy cơ đối mặt với “khủng hoảng tuyệt chủng” dù giới khoa học liên tục phát hiện loài mới. Theo bà, nhiều loài có thể biến mất trước khi các nhà khoa học biết tới sự tồn tại của chúng.

“Nếu các quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong mở rộng chưa nhận thấy đa dạng sinh học là thứ có giá trị và đáng đầu tư thì các môi trường và loài hoang dã sẽ biến mất với tốc độ nhanh đến mức khó tin”, bà Bladen nói.

WWF cho rằng việc tê giác một sừng tuyệt chủng tại Việt Nam, sự biến mất của 70% cá thể hổ trong vòng một thập kỷ là những diễn biến cho thấy sự mong manh của đa dạng sinh học trong tiểu vùng Mekong mở rộng.

“Sự phát triển nhanh và không bền vững, những tác động của biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc tới đa dạng sinh học và các chức năng sinh thái của tiểu vùng Mekong mở rộng. Hậu quả là sinh kế của vài triệu người sống nhờ hệ sinh thái đó cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực”, báo cáo của WWF nhấn mạnh.

Tiểu vùng sông Mekong mở rộng bao gồm Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

 

Theo Vnexpress