Một nghiên cứu mới nhất về khủng long được các nhà khoa học tuyên bố ngày 3-4, cho biết, khủng long từng là loài sống dưới nước.
Theo Telegraph, giáo sư nghiên cứu Brian J Ford – thuộc Đại học Cambridge (Anh) cho biết, loài động vật đã tuyệt chủng này luôn có thân mình cồng kềnh, đặc biệt là chiếc đuôi rất dài và to. Chính kích thước và trọng lượng lớn của nó gây cản trở trong việc săn bắt mồi.
Do kích thước và trọng lượng cơ thể mà loài khủng long phải hoạt động dưới nước.
Giáo sư cũng tuyên bố rằng, việc khủng long sống dưới nước là điều hoàn toàn có thể, bởi khi hoạt động trong môi trường đó, cơ thể chúng linh hoạt hơn, giảm trọng lượng để nhanh nhẹn khi bắt mồi. Hơn nữa, môi trường nước cũng chứa kho thức ăn cho loài động vật to lớn này.
Nghiên cứu cũng nhận định, dù từ trước đến nay, các hóa thạch của loài khủng long thường được tìm thấy ở những vùng đất khô cằn, nhưng điều đó không thể khẳng định hoàn toàn khủng long luôn sống trên cạn.
Các vết tích còn lại cho thấy, đuôi khủng long thường vểnh lên cao, nghĩa là nó đã có cấu tạo cơ thể để thích nghi với môi trường nước, giúp chúng bơi lội nhanh.
Ngoài ra, một số nghiên cứu trước đó cũng cho rằng, loài khủng long sống ở đầm lầy hoặc vùng nước cạn.
Mặc dù tuyên bố này chưa thể thuyết phục hết các nhà khoa học đến từ Bảo tàng lịch sử Thiên nhiên tại Anh, nhưng một số bằng chứng như loài khủng long Spinosaurus ăn cá và loài ăn thịt T-rex đang thúc đẩy các nhà khoa học sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo Tiền Phong, Telegraph