Khương Duy – Tội đồ làm nhà Thục Hán bị diệt vong?

khuong-duy-phunutoday-vn

Khương Duy (姜維, Wade-Giles: Chiang Wei, 204-264), là một tướng và sau này là thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Khương Duy tự là Bá Ước (伯約), người huyện Ký, Thiên Thuỷ.

Cha ông là Khương Quýnh từng làm chức Công tào trong quận. Khi người Nhung và người Khương chống lại nhà Ngụy, Khương Quýnh bảo vệ cho thái thú và bị tử trận. Vì vậy nhà Ngụy phong cho ông làm chức Trung lang.

Cha mất sớm, Khương Duy sống với mẹ, say mê Kinh học của Trịnh Huyền, làm chức Thượng kê duyên (ghi chép) trong quận, sau đó ông được làm tùng sự.

Năm 228, Thừa tướng nhà Thục Hán là Gia Cát Lượng xuất quân bắc phạt, ra Kỳ Sơn lần thứ nhất. Thái thú Thiên Thuỷ là Mã Tuân dẫn ông cùng Lương Tự, Doãn Thưởng, Lương Kiều và thứ sử Ung châu là Quách Hoài đi tuần các nơi.

Nghe tin quân Thục đến Kỳ Sơn, Quách Hoài trở về Thượng Khuê phòng bị. Mã Tuân một mình ở lại Ký huyện xa xôi phía tây, thế cô, có ý lo sợ. Khương Duy khuyên Tuân về phòng thủ Ký huyện nhưng Tuân không nghe và có ý nghi ngờ Khương Duy, nói rằng:

Bọn các ngươi đều không đáng tin cậy!

Rồi Tuân nhân đêm tối bỏ chạy về Thượng Khuê với Quách Hoài. Khương Duy sau mới phát hiện ra, bèn chạy theo, nhưng đến nơi thì thành Thượng Khuê đóng cửa, không cho ông vào. Ông quay trở về Ký huyện thì Ký huyện cũng đóng cửa ngăn ông. Ông bèn chạy sang đầu hàng Gia Cát Lượng.

Thấy ông lại hàng, Gia Cát Lượng rất mừng. Nhưng sau đó Mã Tốc để mất Nhai Đình nên quân Thục phải triệt thoái. Khương Duy theo quân Thục về nước và lạc mất mẹ.

khuong-duy-phunutoday-vn
Khương Duy chính là người kế thừa đắc ý của Gia Cát Lượng.

Gia Cát mến tài ông, phong làm Thương tào duyện, Phụng Nghĩa tướng quân, rồi Đan Dương đình hầu khi ông mới 27 tuổi (230). Trong thư gửi Trương Duệ, Gia Cát khen ngợi tài năng của ông:

“Khương Bá Ước là người trung thành, cần cù, suy nghĩ chín chắn… Người này đích thực là nhân vật xuất chúng về quân sự… Cái quý nhất là trong lòng anh ta vẫn còn nhà Hán…”

Trong thời gian Gia Cát Lượng ra Kỳ Sơn đánh Tào Ngụy những lần sau đó, Khương Duy đều tham gia chiến trận.

Sự lựa chọn “sai lầm” của Khổng Minh?

Sai lầm lớn nhất trong việc dùng người của quân sư Thục Hán Gia Cát Lượng, không phải việc ông từng dùng Mã Tắc hay Ngụy Diên, mà là việc ông lựa chọn Khương Duy làm người kế thừa của mình.

Năm đó, Khương Duy 27 tuổi, được Khổng Minh phong làm Phụng Nghĩa tướng quân, làm Dương Đình Hầu. Được Gia Cát Lượng đề bạt, không lâu sau Duy thăng làm Trung giám quân, Chinh Tây đại tướng quân.

Sau lần rút quân từ gò Ngũ Trượng về Thành Đô, dã tâm của đại thần Dương Nghi bành trướng, “phỉ báng triều đình, bị bắt giam vấn tội, cuối cùng tự sát”.

Dương Nghi chết, Lượng đem chính sự giao phó cho Tưởng Uyển, Phí Y, Đổng Doãn, riêng quân sự do Khương Duy nắm quyền.

Từ Hữu giám quân, Khương Duy thăng làm Phò Hán tướng quân, được tấn phong Bình Tương Hầu. Về sau, Tưởng Uyển, Đổng Doãn qua đời, Khương Duy lại nắm quyền lực lớn hơn, cùng Phí Y giữ chức Thượng thư.

Khi Phí Y bị hàng tướng Quách Tuần ám sát năm 253, Khương Duy về cơ bản đã trở thành “đệ nhất đại thần” triều Thục Hán, có ảnh hưởng cực lớn trong triều, thậm chí “mọi vấn đề của Thục Hán đều đổ lên mình Khương Bá Ước”.

khuong-duy-phunutoday-vn
Nhiều ý kiến cho rằng một nhân vật “chủ chiến” như Khương Duy nắm đại quyền Thục Hán đã đẩy Thục đến ngày diệt vong nhanh hơn

Khương Bá Ước kém tài hay vấn đề nội tại Thục Hán quá lớn?

Gia Cát Lượng “cầm trịch” triều đình Thục Hán hơn 10 năm, trong đó có tới 7 năm luôn trong tình trạng chiến tranh: 1 lần Nam chinh, 6 lần Bắc phạt. Ông có 1 lần không trực tiếp tham chiến.

Trong khi đó, Khương Duy trước sau mở 9 cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ngụy, sử gọi là “cửu phạt Trung Nguyên”.

Tuy nhiên, dù Khương Duy giành được một số thắng lợi, nhưng sự nghiệp “nhất thống thiên hạ” của Thục Hán vẫn không đạt được bất cứ tiến triển nào, “có tiếng mà không có miếng”.

Xét trên tầm chiến lược quốc gia, cả Khổng Minh và Khương Duy bị đánh giá là “thất bại”, bất chấp tài năng quân sự của 2 ông được lịch sử ghi nhận.

Bên trong Miếu Vũ Hầu (Thành Đô, Trung Quốc) có Bảo tàng văn hóa Thục, tại đây có một tấm bản đồ địa hình thời Tam Quốc, đặc biệt bao gồm số liệu về so sánh nhân khẩu Ngụy – Thục – Ngô.

Cụ thể, dân số Thục Hán là 940.000, Tào Ngụy 4.432.881, còn Đông Ngô là 2.300.000 người. Những số liệu này về cơ bản phản ánh được tình trạng phân bố dân cư thời Tam Quốc.

Dân số Thục Hán không bằng 1/4 Ngụy và 1/2 Đông Ngô. Trong khi Trung Quốc giai đoạn đó vẫn ở vào thời đại mà quốc lực tương đồng với nhân lực (hay nhân khẩu).

Dân số chính là nguồn sản xuất ra “sức chiến đấu”, vì vậy dân số của Thục Hán thể hiện lực lượng quân sự yếu kém của nước này so với Ngụy và Ngô.

Có ý kiến cho rằng, chỉ cần sở hữu thống soái tốt, có vẫn có thể mang lại thành công cho quân đội. Tuy nhiên, Thục Hán không sở hữu nhân vật như vậy.

Khả năng của Khổng Minh không vượt trội so với Tư Mã Ý, Khương Duy cũng không chiếm thế thượng phong trước Đặng Ngải, Chung Hội.

Câu nói mà Phí Y từng nói với Khương Duy, được các học giả hiện đại cho là đúng đắn – “Chúng ta tài kém xa Thừa tướng (Khổng Minh).

Thừa tướng cũng không thể bình định Trung Nguyên, huống gì bọn ta! Chi bằng giữ nước an dân, bảo toàn xã tắc, cũng là giữ trọn cơ nghiệp”.

khuong-duy-phunutoday-vn
Dù phạm phải những

sai lầm chiến lược, nhưng hậu thế chỉ xót xa cho Khương Duy, bởi ông xứng danh là bậc quân tử, hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp “nhất thống thiên hạ” của Thục Hán.

Tài cán của Khương Duy thể hiện xuất sắc ở giai đoạn suy vong của Thục, nhưng ông thiên về lãnh đạo quân sự mà không biểu hiện được năng lực triều chính.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc Khổng Minh chọn Khương Duy là người kế thừa “không thể xem là thành công”.

Ngay từ đầu, Gia Cát Lượng đã nhận định Tôn – Lưu ở vào thế yếu so với Tào Ngụy, và đối sách duy nhất chính là “liên Ngô kháng Tào”. Thậm chí Khổng Minh đã xem đây là “quốc sách” của Thục và lập kế hoạch “chia chác” nước Ngụy cùng Đông Ngô.

Tuy nhiên, về sau này mặc dù Ngô – Thục vẫn duy trì quan hệ đồng minh, nhưng thực tế song phương không thể thống nhất lập trường chung trong hợp tác quân sự.

Ví dụ, chưa một lần nào quân đội Thục – Ngô kết hợp thực hiện nhiệm vụ phạt Ngụy đi đến thành công. Thế nhưng, trải qua hàng chục năm, Khương Duy vẫn không thể ý thức được thực tế về “vết nứt” trong quan hệ Ngô – Thục.

Trước khi Ngụy diệt Thục đã có những đánh giá chính xác – “Từ khi bình định Thọ Xuân, đình chiến 6 năm dưỡng binh, chuẩn bị phạt 2 giặc (Ngô, Thục),

Nay Ngô đất rộng mà trũng, tấn công khó khăn, không bằng đoạt Ba Thục trước…

Thục có khoảng 90.000 quân. Khương Duy bị cầm chân ở Đạp Trung, để ở phía Đông. (Ngụy) trực tiếp tấn công Lạc Cốc, nhằm vào nơi sơ hở của địch, tập kích Hán Trung.

Ngày tàn của Thục đã thấy rõ”.

Thục Hán có khoảng 102.000 quân, Tư Mã Chiêu dự đoán 90.000, có thể nói là đã đạt độ chính xác cao. Nếu giả thiết Chiêu tính tới vấn đề tổng động viên trước cuộc tấn công, thì việc ông “nói giảm” về lực lượng đối phương cũng không khó hiểu.

Thậm chí, một nhân vật “thường thường bậc trung” bên Thục là Liêu Hóa cũng từng khuyên Khương Duy – “Binh không giấu, ắt tự diệt. Trí không hơn địch, mà lực kém hơn địch, làm sao có thể đứng vững?

Nhiều năm chinh chiến, quân dân không được an ninh, lại thêm Ngụy có Đặng Ngải túc trí đa mưu, không phải tầm thường.

Không nên miễn cưỡng làm điều quá khó khăn”.

Liêu Hóa đã chỉ ra điểm yếu chí mạng của Thục Hán: mưu trí không hơn kẻ địch, mà binh lực lại yếu kém rõ rệt. Trước tình hình đó, việc Khương Duy chủ chiến được đánh giá là “biết chắc thất bại mà vẫn cố lao vào”.Bi kịch của quân tử

Tầm quan trọng của Hán Trung đối với Thục đã được xác nhận. Ngoài Gia Cát Lượng, Tưởng Uyển và Phí Ý cũng từng có thời gian đồn trú tại đây.

Đến khi Ngụy Diên tiếp quản Hán Trung, ông thiết lập doanh trại tại các địa điểm hiểm yếu, xây dựng hệ thống phòng vệ vững chắc với binh lực đầy đủ.

Sau khi Gia Cát Lượng mất, Đại tư mã Ngụy là Tào Sảng xuất binh phạt Ngụy để “lập uy”, nhưng vấp phải phòng tuyến Hán Trung Cũng phải “ngậm ngùi trở về”.

Tuy nhiên, Khương Duy nhận định vị thế phòng ngự của Thục Hán không thể giúp nước này đạt được mục đích quân sự là thôn tính Tào Ngụy, vì vậy Duy kiến nghị triều đình… giải thể các điểm đặt doanh trại để tập trung binh lực đồn trú ở 2 thành Hán, Lạc.

Trước quyền lực của Khương Duy, Thục Hán rút đô đốc Hán Trung Hồ Tế về Hán Thọ, giám quân Vương Hàm về Lạc Thành (Thiểm Tây), hộ quân Tưởng bân tới Hán Thành (Thiểm Tây).

Đường hướng của Khương Duy tưởng như tích cực, nhưng bị các học giả đương đại đánh giá là “bỏ trống trận địa”, nhanh chóng khiến Thục hứng chịu hậu quả tiêu cực.

Về sau, tướng Ngụy Chung Hội công phạt Hán Trung “dễ như trở bàn tay”.

Sai lầm của Khương Duy chủ yếu gồm 2 vấn đề. Về chiến lược, ông dụng binh quá thường xuyên; về chiến thuật, ông từ bỏ các điểm phòng thủ hiểm yếu, khiến Thục “hở sườn”, gần như “bỏ rơi Hán Trung”.

Tác giả quyển “Thục giám” thời Nam Tống Quách Doãn Đạo thậm chí còn đem sai lầm chiến thuật của Khương Duy để chỉ trích ông về sự diệt vong của Thục – “Hán Trung là cửa ngõ của Thục.

Khương Duy lui binh đồn trú về Hán Thọ, khác nào từ bỏ giới bị Hán Trung.

Khi Chung Hội tấn công, Hán Trung không một phòng tuyến, khiến Ngụy quân đắc thủ, không cần tới Đặng Ngải xuất binh Giang Du.
Thục đã trở tay không kịp, vì Khương Duy mà vong quốc”.

Quách Doãn Đạo nhận định, dù tướng Ngụy Đặng Ngải chưa cần điều binh từ Giang Du thì Thục Hán “khí số đã tận”, không còn đường cứu, chỉ vì sai lầm của Khương Duy.

Nhận định

Đương nhiên, các học giả hiện đại đã có cách nhìn nhận công bằng hơn đối với danh tướng này, bởi bên cạnh sai lầm cá nhân của Duy, tự thân quốc lực yếu kém của Thục Hán đã là điểm yếu chí mạng đối với nước này trong suốt hàng chục năm.

Nếu có đáng tiếc, thì chỉ là vận mệnh đã quá bất công đối với một nhân vật chính nhân quân tử, vì nước quên thân như Khương Bá Ước.

Khương Duy xuất thân là tướng nước Ngụy nhưng gần như cả cuộc đời ông phục vụ nước Thục. Gia Cát Lượng đã nhìn nhận đúng về lòng trung thành với nhà Hán của Khương Duy ngay trong thời gian đầu.

Khương Duy có tài kiêm văn võ, có chí lập công danh, cả đời ông sống cần cù tiết kiệm – giống như phong cách của Gia Cát Lượng. Người đồng liêu của ông là Khước Chính – đã theo Hậu chủ Lưu Thiện sang hàng Ngụy – có nhân định về ông như sau:

“Khương Bá Ước nắm quyền thượng tướng, dưới một người trên vạn người, vậy mà nhà cửa ông lại sơ sài cũ nát, trong nhà cũng không có vật gì quý giá. Ông không có vợ bé, không có thê thiếp thân cận, hậu đường không có đàn sáo hát ca, quần áo chỉ cần đủ mặc, xe ngựa chỉ cần chỉnh tề, không hề có yêu cầu cao xa gì. Việc ăn uống của ông cũng rất hạn chế, không thừa không thiếu là được. Triều đình cung cấp vật dụng tiền nong cho ông, ông liền phân phát hết… Mọi người cho rằng Khương Duy đầu hàng hai nơi, mình thì bị giết, tông tộc bị diệt, vì vậy chỉ trích ông mà không suy xét các mặt khác của ông. Đó chính là theo nghĩa “khen chê” của Kinh Xuân Thu mà nêu cao. Con người Khương Duy học không biết mỏi, tiết kiệm hết mình, thật đáng cho muôn đời học tập”.

Bàn về cái chết của ông, đời sau có cách nhìn nhận khác nhau. Tôn Thịnh tỏ ý bài bác, cho rằng Khương Duy là bất trung, bất nghĩa và có thêm nhận xét:

Tiến không được, lùi không thống lĩnh được chư tướng, không bảo vệ được vua Thục, kế sách xây dựng đất nước đi ngược với thời thế, làm nước hèn yếu.

Các sử gia Trung Quốc hiện đại coi nhận định của Tôn Thịnh là hoàn toàn sai lầm. Khương Duy phải sang hàng Thục vì bị ngăn đường về nhà, buộc phải đầu hàng nước địch, không thể coi là bất nghĩa; nước mất nhưng không chết theo ngay, một là vì vâng lệnh Hậu chủ Lưu Thiện, hai là vì mưu kế khôi phục, không thể nói là ông không trung.

Bùi Tùng Chi có ý kiến khác về cái chết của ông:

Lúc đó Chung Hội đã đến Kiếm Các, Khương Duy và các tướng chống trả quyết liệt… Hội không có cách nào tiến, đã chuẩn bị lui quân, thiếu chút nữa thì Khương Duy lập được đại công bảo vệ nước Thục. Không ngờ Đặng Ngải ngầm đi đường Âm Bình,… Thành Đô tự vỡ… Nếu Khương Duy về chi viện cho Thành Đô, Chung Hội sẽ tập kích đằng sau. Vì vậy nếu trách Khương Duy không bảo vệ được Thục chủ, thật là làm khó cho người… Sau đó Chung Hội… mưu làm việc lớn, giao binh lính cho Khương Duy, dùng ông làm tiền khu. Nếu sự việc không bị vỡ lở, việc ấy thành công… thì khôi phục lại Thục Hán đâu phải chuyện khó… Ta không nên vì sự việc không tiến triển như dự kiến mà cho rằng mưu Khương Duy không tốt. Thử nghĩ, nếu xưa kia Điền Đan định kế xong nhưng cơ hội không tốt mà không thành công thì lẽ nào lại nói Điền Đan ngu xuẩn, đần độn hay sao?

Các sử gia Trung Quốc coi những ý kiến của Bùi Tùng Chi và Khước Chính về ông là “tận tình tận lý, đủ thuyết phục người”[10]. Cái chết của ông được cảm thán là “rất đáng tiếc, rất đáng thương”.

Hàn Tín: Từ nỗi nhục chui háng…đến đại tướng trong lịch sử
(Khám phá) – (Phunutoday) – Nhà Tần vào thế kỷ 2 trước công nguyên là triều đại phong kiến thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Nguồn: Lan Hương (TH)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.