Sự kì vĩ của thung lũng Great Rift ở vùng Đông Phi được tạo nên bởi những dãy núi lửa sừng sững, ngăn cách bởi những vùng đất hoang cằn cỗi và những hồ sâu không đáy.
Trải dài khắp 5.000km về phía Nam, từ Ethiopia tới Mozambique, thung lũng Great Rift được hình thành từ cách đây 35 triệu năm và đang tiếp tục phát triển. Người ta gọi đây là thung lũng tách giãn lớn do hệ quả của việc va chạm giữa các nguyên tố trong lòng đất tạo nên một rãnh nứt lớn trên bề mặt Trái đất.
Khoảng 35 triệu năm trước, ở độ sâu 3.200km dưới lòng đất thuộc đất nước Ethiopia ngày nay, gần tâm nóng chảy của Trái đất, nhiệt độ và áp suất lớn đã đẩy một khối đá lỏng cực nóng từ từ trồi lên mặt đất. Sự xuất hiện của khối đá lỏng đã tạo nên vết rách kéo dài đến 1.600km trên mặt đất và làm thay đổi địa hình của cả một khu vực rộng lớn.
Dãy núi bị bỏ hoang ở Đông Nam châu Phi (nằm ngang Ethiopia) – Eritrea hay lòng chảo ở sa mạc Danakil là những di tích còn lại sau sự biến động cổ xưa. Tại nơi này, lớp vỏ Trái đất bị kéo giãn ra, tạo nên nhiều vùng đất lún sâu tới 150m dưới mực nước biển. Trong đó, lòng chảo trũng ở Danakil là nơi nóng nhất trên thế giới khi những cơn gió mát không thể thổi tới và nhiệt độ cũng không thể thoát ra ngoài.
Sau khi tạo ra khe nứt, cơn địa chấn cực mạnh đã tạo nên một chuỗi núi lửa, tách rời vùng đất này với đại dương. Dưới nhiệt độ như thiêu như đốt, nước dần bốc hơi hết và hình thành nên muối và sa mạc Afar. Đây cũng là nơi con người tới khai thác muối trong suốt 2.000 năm.
Theo VTV