Kiểm soát giận giữ, học cách thấu hiểu con trẻ

Đôi khi nhìn đứa trẻ gào thét, khóc lóc dưới chân mình, các bà mẹ thường chỉ thấy bực bội, cáu kỉnh. Tất cả những gì cha mẹ nghĩ là đứa trẻ đang tỏ ra hư đốn và họ không có thời gian để chiều chuộng theo những đòi hỏi của chúng. Nhiều mẹ thường không tìm hiểu tại sao trẻ lại cư xử như vậy. Thật ra, các bậc cha mẹ nên hiểu rằng, đồng cảm, thấu hiểu con trẻ là điều nên làm khi nuôi dạy một đứa trẻ bởi đó sẽ là nền tảng để phát triển cảm xúc cho bé.
Thấu hiểu, đồng cảm là khi chúng ta hiểu đúng những ý định và cảm xúc của người khác. Là khi thấy trẻ giận dữ, quấy khóc, cha mẹ sẽ tập trung vào cảm xúc của trẻ, tìm cách lý giải tại sao trẻ lại như vậy, và bỏ qua cơn giận đang bùng nổ của mình. Nhưng làm được điều này không hề dễ dàng. Có hàng ngàn lý do giải thích cho việc tại sao chúng ta không thể tỏ ra thấu hiểu, đồng cảm.
Nguyên nhân khiến cha mẹ không cố gắng tìm hiểu con trẻ
Đang trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng hoặc giận dữ
Thật khó để hiểu cảm xúc của người khác khi chính bạn cũng đang trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Một người mẹ trẻ đầy yêu thương cũng có thể vì quá mệt mỏi sau những đêm thức ru con ngủ mà trở nên cáu bẳn, dễ nổi giận với trẻ.
Khi đang gặp vấn đề mệt mỏi, bạn sẽ rất khó mở lòng với con
(Ảnh minh họa)

Khi bạn đang chịu sức ép căng thẳng về tài chính, công việc, quan hệ hoặc mệt mỏi về thể chất, bạn không thể quên đi những điều đó để nghĩ về người khác, yêu thương vỗ về người khác.
Khi bạn đang trong tình trạng bế tắc, bạn sẽ dễ dàng trở nên giận dữ khi nghe trẻ gào khóc. Trong tình thế này, nhiều bà mẹ đã lờ đứa trẻ đi và làm việc khác. Điều này hoàn toàn không nên.
Cảm thấy phiền toái và mất kiên nhẫn
Khi chúng ta đang mải nghĩ về điều gì, ví dụ về một công việc cụ thể cần phải hoàn thành, chúng ta sẽ chỉ chú tâm vào việc liệu có hoàn thành nó được không và ta sẽ không thể hiểu được cảm giác khó khăn của người khác. Chúng ta sẽ dễ cảm thấy bị làm phiền khi bị người khác làm mất tập trung, dù đó là con bạn đang gào thét, khóc lóc vì một điều gì không hài lòng hoặc khiến chúng khó chịu.
Thiếu kỹ năng điều khiển cảm xúc (chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ thấp)
Nếu một người không hiểu cảm xúc của người khác và không biết phải làm gì với những cảm xúc đó thì không thể đồng cảm với người khác. Kỹ năng điều khiển cảm xúc tốt có thể giúp bạn trải qua những cảm xúc mạnh mẽ mà không hề sợ hãi, đồng thời có thể giúp bạn quên đi nỗi lo lắng, căng thẳng của mình để lắng nghe cảm xúc của con.
Thấu hiểu, đồng cảm với trẻ là việc không dễ dàng với các bậc cha mẹ nhưng không phải là không thực hiện được. Để học cách hiểu con, bạn hãy thử những phương pháp sau.
Gợi ý giúp cha mẹ học cách đồng cảm và thấu hiểu với con cái
Trước hết, cha mẹ phải biết kết nối cảm xúc với con cái bằng cách bỏ qua một bên công việc, những mệt mỏi và nỗi giận dữ của mình. Chúng ta cần phải tỉnh táo xem xét tình huống. Khi một đứa trẻ gào khóc nghĩa là chúng đang cần bố mẹ vỗ về, an ủi, yêu thương cho đến khi cơn giận dữ của chúng qua đi. 

Thử dùng các câu “thần chú” cần thiết
Khi cần thể hiện sự yêu thương, thấu hiểu với trẻ, khi trẻ gào khóc, trước khi có những suy nghĩ tiêu cực như cảm thấy thương hại bản thân hay để cơn giận dữ xâm chiếm tâm trí, bạn hãy tự nói với chính mình: “Đây không phải là lỗi của con và của chính mình”, bạn hãy cúi xuống với con, khi mắt bạn cùng tầm với đứa trẻ đang giận dữ, sự kết nối giữa hai mẹ con sẽ khiến cho bạn giảm đi sự bực tức hay căng thẳng, lúc đó bạn còn có thể vỗ về đứa trẻ.
Tăng cường phương thức giao tiếp “ngang hàng, bình đẳng” sẽ giúp bạn hiểu con hơn
(Ảnh minh họa)

Kiềm chế sự mệt mỏi và học cách cân bằng cuộc sống bận rộn 
Tập thay đổi bằng cách tự tạo ra không gian cho chính mình. Bạn có thể duy trì thói quen dành thời gian nghỉ ngơi và thư giãn. Hãy chỉ làm 10 trong số 15 việc khi bạn một mình. Mạnh dạn bỏ qua những việc bạn muốn làm nhưng không thật sự cần thiết để không biến mình thành một bà mẹ đầu bù tóc rối với công việc.
Đừng nghĩ trẻ đang phản kháng bạn 
Con bạn không phản kháng bạn, chúng chỉ chưa thể diễn đạt cảm xúc của chúng bằng ngôn ngữ. Nếu bạn thấy căng thẳng vì điều đó, hãy tự mình điều chỉnh cảm xúc của mình trước, thay vì lờ con đi hoặc trút giận lên con.
Điều khiển cảm xúc, đừng để cảm xúc điều khiển bạn 
Điều này đòi hỏi bạn phải rèn luyện như luyện một kỹ năng. Bạn có thể thực hiện từng bước như sau: Liệt kê ra những suy nghĩ tiêu cực khi bạn thấy căng thẳng và tự nhủ với bản thân không lắng nghe những suy nghĩ đó; Thay vì những suy nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ đến những điều tích cực; Lên danh sách những việc cần thực hiện để giúp bản thân bình tĩnh và để danh sách này trong tầm nhìn của bạn, giúp bạn nhớ đến mỗi ngày.
Cuối cùng, nếu tất cả những việc trên không có hiệu quả, thì bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè (thậm chí là các chuyên gia). Bạn có thể nhờ đồng nghiệp, bạn thân, chồng bạn hoặc chị gái để giúp bạn lấy lại sự cân bằng. Học hỏi từ kinh nghiệm của người thân và yêu cầu họ trợ giúp khi cần sẽ giúp bạn rất nhiều khi đối đầu với những khoảng thời gian khó khăn khi chăm sóc trẻ.
Uyên Hồ
(Theo HP)
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.