Hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân bị viêm da do kiến ba khoang đốt tìm tới các bệnh viện để khám ngày càng nhiều. Nhưng thực tế, rất nhiều bệnh nhân không phân biệt được giữa vết đốt của kiến ba khoang và Zona thần kinh.
Chị Trần Thị Hướng (22 tuổi, thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) là một trong những trường hợp như thế. Chị Hướng cho biết, sau 1 đêm tỉnh dậy, phần da mặt bị phỏng rộp với rất nhiều mụn nước. Lúc đầu chỉ hơi đỏ, sau vết đỏ càng rõ lên rồi xuất hiện mủ. Vì nghĩ chỉ bị Zona thần kinh nên chưa vội đi khám. Chỉ tới khi các vết phỏng khiến chị ngứa, rát… vợ chồng mới quyết định đi khám tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, chị bị kiến ba khoang đốt.
Trên thực tế, không phải chỉ có nhà riêng hay biệt thự mới dễ bị kiến ba khoang bay vào. Có những người dân sống ở chung cư cao tầng cũng có thể bị kiến ba khoang đốt. Theo PGS – TS Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương), hồi năm 2013, chung cư khu vực cầu Tó (Hà Nội) bị kiến ba khoang tấn công cả tầng 21. Vì vậy, kiến ba khoang vẫn có thể tấn công ở nhưng nơi có người dân sống trên cao.
PGS – TS Nguyễn Văn Châu
Trao đổi với phóng viên ChaMeCuaCon.com , PGS – TS Nguyễn Văn Châu cho biết: “Viêm
da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc
biệt là bệnh Zona. Viêm da do Zona thần kinh các mụn nước mọc thành chùm
ở một bên cơ thể, còn viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có thể gặp bất
cứ vị trí nào có tiếp xúc, trong đó chủ yếu là vùng da hở”.
Cũng theo PGS – TS Nguyễn Văn Châu, kiến ba khoang hay kiến khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen – vàng cam xen kẽ. Trong dân gian, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong đít. Loại kiến này có kích thước rất nhỏ nên chúng dễ dàng bám vào quần áo, chăn màn, khăn rửa mặt… và nọc độc của chúng rất dễ khiến vùng da tiếp xúc bị tổn thương.
Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây, cỏ mục, bãi rác thải, công trình đang xây dựng… và xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa. Chúng rất thích ánh sáng đèn ban đêm. Sau những cơn mưa, nước ngập không còn nơi cư trú, chúng bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào khăn mặt, quần áo, giường chiếu chăn màn. Kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có tên Pederin có thể làm tổn thương da người nếu tiếp xúc với dịch này. Đặc biệt, hiện nay chưa có bài thuốc dân gian đặc trị nào có thể “khắc chế” được chất độc do kiến ba khoang làm thương tổn vùng da.
Cẩn trọng khi giết kiến ba khoang
Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, tình trạng viêm da thường xuất hiện ở vùng hở như: mặt, cổ, ngực, vai, gáy, tay. Tổn thương cơ bản có dạng rát đỏ, thành vệt, thành đám, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp 2 – 3 ngày mới đỡ, còn tổn thương ở vùng bẹn thì rát đau khoảng 2 – 3 ngày mới đi lại được.
Vì thế, quần áo sau khi phơi khô cũng như trước khi mặc cần được rũ mạnh, hạn chế bật đèn trong nhà, còn nếu bật đèn trong nhà thì nên đóng chặt các cửa.
“Nếu tiếp xúc với kiến ba khoang nên rửa vùng da tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ. Nếu bị nhẹ, sau một vài ngày tình trạng viêm da sẽ đỡ, còn nặng hơn có thể bôi các thuốc làm dịu da, bôi corticosteroid, uống kháng sinh histamin theo chỉ định của bác sĩ”, PGS – TS Nguyễn Văn Châu cho hay.
Kiến ba khoang có nọc độc đáng sợ.
Hiện nay, nhiều người vẫn có thói quen khi thấy kiến hoặc các loại côn trùng có hại thường dùng tay hoặc các vật dụng khác để giết. Tuy nhiên, với kiến ba khoang, việc dùng tay để giết là hoàn toàn không nên. Bởi vì, khi giết như vậy, nọc độc có màu vàng trong cơ thể kiến ba khoang sẽ phát tán ra xung quanh vị trí nó bị giết. Nếu nọc độc vô tình dính ra tay hay bất cứ khu vực da nào trên cơ thể sẽ làm cho vùng da đó bị phồng, rộp, ngứa, rát.
Lưu ý khi thấy kiến ba khoang chỉ nên thổi hoặc cầm giấy gạt chúng ra vị trí khác. Nếu trên da xuất hiện các triệu chứng phồng, rộp, ngứa, rát, đỏ ửng do nọc độc của kiến ba khoang có thể rửa bằng thuốc tím hoặc các thuốc sát trùng, nước muối sinh lý nhưng không được chà xát mạnh. Sau đó, xin tư vấn về loại thuốc hữu hiệu từ bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Nếu xuất hiện tình trạng bội nhiễm, hoại tử cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa về da liễu.
Thủy Nguyên
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.