Kiến chính là loài côn trùng cổ nhất hiện vẫn còn tồn tại trên hành tinh của chúng ta. Trải qua hơn 100 triệu năm có mặt trên Trái đất, loài côn trùng này gần như không tiến hóa nhiều so với tổ tiên của chúng.
Cấu tạo cơ thể lý tưởng cùng kỷ luật “thép” đã giúp loài kiến tồn tại và phát triển suốt hơn 100
triệu năm qua
Một trong những nguyên nhân chính khiến loài kiến gần như không tiến hóa trong suốt hơn 100 triệu năm qua là do chúng sở hữu cấu tạo cơ thể lý tưởng. Điều này đã giúp chúng không những thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết khí hậu khác nhau, mà còn có thể sinh sôi nảy nở với số lượng ngày càng đông đảo.
Kiến là một trong những loài khỏe nhất hành tinh. Cấu tạo cơ thể hợp lý cho phép chúng có thể “mang vác” một vật nặng hơn khối lượng cơ thể 100 lần. Hệ tiêu hóa của kiến cũng giúp chúng trở thành một trong những loài ăn tạp nhất trên thế giới. Chính điều này giúp chúng không bị chết đói trong khi các loài khác bị tuyệt chủng chỉ vì một lý do rất đơn giản như hết cỏ!
Tổ chức có tính chất xã hội cao cùng những “luật lệ” hà khắc cũng là một trong những yếu tố giúp loài kiến sinh tồn suốt 100 triệu năm qua. Một con kiến thợ sẽ bị trừng phạt và trở thành thức ăn cho đồng loại nếu trở về tổ nhiều lần mà không kiếm được gì. Tuy nhiên, những con kiến bị thương trong quá trình kiếm thức ăn hay chiến đấu lại được đối xử rất “tử tế” dù không còn khả năng mang thức ăn về tổ.
Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy, không phải tất cả loài kiến đều “yêu lao động” và chăm chỉ cần mẫn. Trên thực thế chỉ có 80% số cá thể trong một đàn kiến thực hiện các nhiệm vụ xây tổ, tìm kiếm thức ăn. Số còn lại được coi là những kẻ “ăn không ngồi rồi”. Kể cả khi các nhà khoa học tách riêng 80% “chăm chỉ” ra thì “những kẻ lười biếng” kia vẫn không muốn động chân động tay. Có thể chúng đã già và đến tuổi “nghỉ hưu” hoặc do tính lười bẩm sinh!
Theo Bee.net