Muốn biết ai đó nói thật hay nói dối, bạn chỉ cần quan sát cặp mắt của người đó.
Các chuyên gia tâm lý thuộc Đại học Portsmouth (Anh) khẳng định rằng con người chớp mắt theo cách hoàn toàn khác khi họ nói dối. Số lần chớp mắt của con người giảm khi họ nói dối, sau đó tăng lên tới 8 lần.
Để làm rõ mối liên hệ giữa số lần chớp mắt với việc nói dối, nhóm nghiên cứu của Đại học Portsmouth yêu cầu một nhóm tình nguyện viên thực hiện các công việc hàng ngày của họ trong 10 phút, nhưng không làm bất cứ điều gì để rồi sau đó phải nói dối.
Một nhóm tình nguyện viên thứ hai được yêu cầu đánh cắp bài thi trong một văn phòng. Sau đó họ phải phủ nhận việc đó.
Hai nhóm được gộp lại thành một và mọi người hỏi nhau về những việc mà họ đã làm. Các chuyên gia gắn một điện cực ở phía trên mắt và một điện cực ở phía dưới để theo dõi số lần chớp mắt.
Kết quả cho thấy, khi chưa trả lời câu hỏi, số lần chớp mắt của tất cả tình nguyện viên gần bằng nhau. Nhưng khi trả lời câu hỏi, tần suất chớp mắt của những người đánh cắp giấy thi giảm xuống. Sau đó, số lần chớp mắt của họ tăng lên nhanh chóng, trong khi mắt của những người nói thật vẫn hoạt động bình thường.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, do tập trung tâm trí vào việc che giấu sự thật nên những người nói dối không chớp mắt.
“Người nói dối tạo ra một sự kiện không có thật hoặc che giấu một việc có thật. Khi phát ngôn một câu họ phải nhớ rõ những câu mà họ đã nói trước đó sao cho chúng trở nên ăn khớp với nhau. Ngoài ra, người nói dối phải kiểm soát hành vi sao cho người nghe cảm thấy rằng họ đang thành thật”, tiến sĩ Sharon Leal, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích.
Nhóm chuyên gia chưa tìm ra lý do khiến mắt chớp nhanh hơn sau khi người ta nói dối. Họ cho rằng việc tăng tần suất chớp mắt có thể là cách để giải phóng sự ức chế, căng thẳng do phải nói dối.
Theo Việt Linh – VnExpress (Dailymail)