Kiểu ngụy trang kỳ lạ của chuồn chuồn

Các loài sinh vật thường nguỵ trang trong tình trạng bất động: tắc kè hoa đổi màu để hoà lẫn vào môi trường xung quanh, vết đốm giúp báo giấu mình trong bụi rậm. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, chuồn chuồn lại sử dụng chuyển động của chúng để nguỵ trang.

(Ảnh: glennbartley)

Hiện tượng này thật là kỳ lạ vì chính chuyển động thường làm kẻ săn mồi bị lộ. Nguyên nhân là khi một hình ảnh dập dờn qua tế bào nhạy cảm với ánh sáng trong võng mạc, phản ứng báo động diễn ra và được chuyển lên não của con mồi.

Chuồn chuồn phủ bóng lên mục tiêu của nó chính xác tới mức chúng luôn xuất hiện như một điểm cố định trong võng mạc của con mồi. Trên thực tế nó vẫn đang chuyển động. Do không có hình ảnh dập dờn trong tế bào võng mạc của con mồi nên không có phản ứng báo động. Con mồi coi chuồn chuồn là vật thể đứng yên và do đó không phải là mối đe doạ.

Nghiên cứu do Akiko Mizutani thuộc Trung tâm khoa học thị giác, ĐH quốc gia Australia, tiến hành. Nhóm nghiên cứu của ông đã sử dụng camera lập thể để dựng lại chuyển động 3 chiều trong 15 chuyến bay của chuồn chuồn đực. Chúng đang giao chiến để giành giật lãnh thổ.

Kết quả cho thấy một con chuồn chuồn đực, đang giao chiến với một đồng loại khác trên không, điều chỉnh đường bay sao cho nó dường như là bất động đối với đối phương. Đây chính là bằng chứng về sự nguỵ trang chuyển động.

Hiện nhóm nghiên cứu mong muốn tìm ra cơ chế mưu tính và thực hiện những cuộc đột kích lén lút như vậy của chuồn chuồn. Họ hy vọng có một quy luật đơn giản nào đó mà chuồn chuồn tuân theo. Tuy nhiên, mọi việc sẽ rất thú vị nếu đó là một cơ chế phức tạp.

 

Theo Hội bảo vệ TN & MT Việt Nam