Kinh nghiệm chăm con cực hay của bà mẹ “1 nách 4 con”

Không đứa trẻ nào được tin tưởng, tôn trọng, yêu thương đúng cách, được hiểu biết (cung cấp tri thức)… mà không ngoan” – chị Dung nói. Đây cũng là cách để bà mẹ trẻ này có thể chăm lo cho 4 em bé nhỏ xíu mà không hề tất bật như những bà mẹ thậm chí mới chỉ có 1 con khác.

Chăm sóc con, nhàn nhã hay vất vả là phụ thuộc vào người mẹ

Lý do để vợ chồng chị Dung quyết định sinh liền 4 bé đơn giản là vì cả hai đều… thích đông con. Vậy là các bé: Mai Phương Phương, Mai Tuấn Minh, Mai Bảo Châu và “Thỏ út” Mai Thanh An lần lượt ra đời,  “sàn sàn” tuổi nhau. Tuy nhà chị lúc nào cũng ríu rít hệt như một… vườn trẻ mini với đầy ắp tiếng cười trẻ nhỏ, nhưng khá nhiều người tỏ ra thắc mắc rằng làm thế nào để có thể chăm lo cho bọn trẻ vì… đông như thế! Tuy nhiên, theo chị Dung thì: “Chăm sóc con, nhàn nhã hay vất vả phụ thuộc vào người mẹ nhiều lắm! Nếu cứ “chạy theo con” suốt ngày, chiều theo mọi yêu sách của con thì dù có 1 bé, mẹ cũng sẽ vất vả vô cùng”. Thật vậy, dù có tới 4 bé nhưng chị Dung lại không hề tất bật như rất nhiều mẹ khác, hãy cũng ChaMeCuaCon.com trò chuyện với chị Phương Dung để cùng học hỏi những bí quyết dạy con ngoan của chị nhé!


3 bé lớn đáng yêu nhà chị Dung

– Bình thường các mẹ có 1 con là đã rất vất vả rồi, chị có tới 4 bé, hẳn là những vất vả sẽ tăng lên 4 lần?

(Cười) Không hẳn là như vậy. Nói mình không vất vả thì chẳng phải, nhưng chắc chắn mình không bị quay cuồng như nhiều mẹ khác. Chăm sóc con, nhàn nhã hay vất vả phụ thuộc vào người mẹ nhiều lắm. Nếu mẹ cứ bao bọc, chăm chút con quá, coi bé như “ông vua” trong nhà thì không tất bật sao được.

Riêng mình, vì nhiều con nên không thể chăm các bé như những mẹ ấy được. Mình dạy con những kĩ năng để con tự phục vụ: ăn uống, vệ sinh,… – là những kĩ năng cơ bản nhất. Vì thế, vất vả với vợ chồng mình nhiều nhất chỉ là lo kinh tế vì chi phí cho 4 nhóc khá tốn kém thôi.


… và “nàng” Thỏ út.

– Để chăm lo cho 4 bé, chắc hẳn nhà chị phải có cả “đội ngũ” giúp việc?

Thực ra hiện tại mình đang làm tư vấn giáo dục sớm và bán học liệu ở nhà, không phải đến cơ quan nên lúc có giúp việc, lúc không. Thời gian này mình mới sinh bé út nên cần có người đưa đón 3 bé đi học, còn không thì mình có thể tự trông các con được. Vì như đã nói, mình rèn cho các bé những kĩ năng cơ bản nhất để bọn trẻ tự phục vụ, thế nên, dù là 4 bé nhưng mình thấy còn nhàn hơn nhiều mẹ có 1 bé mà cứ phải chạy theo con.

Mình có nghe nhiều mẹ kêu rằng con quấy, rằng chỉ cho con ăn sữa được khi bé ngủ, hay rong con cả tiếng đồng hồ con mới chịu ngủ, rồi ngủ được chừng 30 phút lại dậy,… Bé nhà mình thì tối đến 3 anh chị và 1 anh hàng xóm là 4, chạy nhảy rầm rầm, em vẫn “ngáy o o” (cười).

Theo mình, đó là do người lớn luyện thói quen cho trẻ cả thôi, cả thói quen tốt và thói quen xấu.

– Chị có thể chia sẻ về cách “luyện” các bé ngủ cũng như luyện những thói quen tốt như thế nào không?

Não bộ có tính tổng hợp quy luật, ngay từ nhỏ con đã tổng hợp được rằng: khóc là được bế, nín bị nằm chơi 1 mình, nên muốn được bế con sẽ khóc, mà khóc rồi chưa được bế con sẽ khóc to hơn (hoặc như các bé hay được bế rung, bế rong, đung đưa… thì càng ngày bé càng đòi hỏi rung mạnh hơn, đung đưa nhiều hơn). Và rất nhiều mẹ, dù biết là không tốt nhưng sợ con khóc nên vẫn rong, vẫn rung con như thế. Kết quả là các mẹ sẽ rất mệt vì cứ phải “chạy theo” con như vậy.


Bé lớn mới học lớp 1 nhưng vô cùng xinh xắn và ngoan.

Về luyện con tự ngủ thì có nhiều phương pháp như PUPD, khóc có kiểm soát, CIO (Cry it out – Để con khóc đến khi con ngủ), tự ngủ… mà không cần phải rong, ru, dỗ nhưng còn bé út nhà mình thì cứ ăn no, tã sạch, đến giờ ngủ là ngủ thôi.

Buổi tối thì cả 4 bé ngủ chung, mẹ nằm cùng và nói chuyện với các con (có nhiều chuyện trên trời dưới bể, mỗi bé 1 chuyện…), hoặc có lúc các con thích mẹ hát bài gì đó, kể chuyện gì đó,… Xong! Hết giờ trò chuyện, hẹn các con ngày mai nói tiếp. Vậy là im im… rồi ngủ luôn (cười).

Muốn bé ngoan, phải tôn trọng con

– Từ đâu mà chị học được cách rèn con ngoan như vậy?

Việc rèn con ngoan thì mình áp dụng bài luật chính sách của cô Phương Nga (là người thầy đầu tiên dạy mình về phương pháp giáo dục sớm Glenn Doman), rồi của chị Bùi Minh Tú – một người thầy, người chị và người bạn lớn của mình, người đã truyền cho mình cảm hứng để thêm hiểu, yêu hơn về phương pháp giáo dục sớm. Mình cũng học được rất nhiều điều, về tình yêu thương không điều kiện từ lớp học “Cho con tình yêu thương trí tuệ” của chị Tú. Các mẹ nhớ nhé, yêu thương không điều kiện = tin tưởng + tôn trọng + yêu thương + hiểu biết.

Tôn trọng con tức là để con được lựa chọn, được quyết định và chịu trách nhiệm. Ví dụ ở nhà mình, có khi con không ăn tối, mình đồng ý và con sẽ không được ăn gì thêm cho đến sáng hôm sau. Thỏa thuận xong, 10 giờ con đói bụng và xin uống sữa, xin ăn nho, con xin… bé nghĩ ra nhiều thứ xin lắm. Nhưng mẹ nhắc lại, con đã đồng ý rằng con không ăn bữa tối, vì vậy con không được ăn gì thêm hết. Cuối cùng, bé đành ôm túi nho đi ngủ (con xin là ôm nho ngủ chứ không ăn nho – tức là không vi phạm) (cười).

Tôn trọng con là con được quyết định ăn gì, ăn bao nhiêu, mặc quần áo gì,… (tất nhiên mẹ có định hướng cho con đâu là đồ mặc ở nhà, mặc đi ngủ, mặc đi chơi…).

Đơn giản vậy thôi, không đứa trẻ nào được tin tưởng, tôn trọng, yêu thương đúng cách, được hiểu biết (cung cấp tri thức)… mà không ngoan cả.

Một điều nữa là cần phân biệt giữa yêu thương không điều kiện và yêu thương vô điều kiện, bởi yêu thương vô điều kiện có nghĩa là yêu mù quáng, cưng chiều con vô lối,… Điều này chẳng tốt cho bé chút nào.

– Chắc hẳn rất nhiều người vẫn tò mò rằng một ngày của chị bắt đầu như thế nào, và kết thúc ra sao? Chị có phải dậy từ rất sớm và thức tới khuya với vô số việc, rồi luôn mệt nhoài vì phải dọn dẹp đồ chơi, quần áo,… mà các bé bầy ra?

Mình thường phải thức khuya để làm việc thôi (như trả lời email, message…), soạn bài hay tìm thêm bài mới cho bé. Còn đồ chơi thì các con tự thu dọn trước khi đi ngủ, đến giờ lên giường là xong xuôi hết. Sáng ra các con cũng tự dậy, vệ sinh cá nhân, uống sữa ăn bánh hoặc ăn gì đó đơn giản rồi bố đưa đi học, hôm nào bố bận thì cô giúp việc đưa đi.

Lúc ngủ dậy, các con cũng ríu rít với mẹ và em bé vài phút. Mình đọc được ở đâu đó về 9 phút quan trọng nhất trong ngày với trẻ là: 3 phút trước khi đi ngủ, 3 phút khi ngủ dậy và 3 phút khi đi học về. (Cười) Nói chung là nhà mình lúc nào cũng ríu rít như vậy.

– Ông xã có chia sẻ nhiều với chị trong việc chăm sóc, nuôi dạy các con không?

Có chứ. Anh làm ở bệnh viện nên hay phải đi trực, nhưng cứ đến ngày nghỉ là lại làm tài xế đưa cả nhà đi chơi. Anh nghiêm lắm, nên bố mà bảo gì là bọn trẻ nghe răm rắp. Anh ở nhà thì những việc “đàn ông” mình “nhường” phần anh hết. Này nhé, sửa ô tô đồ chơi hỏng thì đương nhiên phải nhờ bố rồi, không sạc được điện thoại, điều khiển hết pin, gãy cái này hỏng cái kia,… không có bố thì mấy mẹ con “chịu chết”, để các con thấy vai trò của bố quan trọng lắm. Bố mà trực thứ 7, chủ nhật thì chẳng ai đưa đi chơi, máy in của mẹ hỏng không có bố mẹ cũng chịu luôn.

Nói chung, có nhiều con thì đôi khi cũng khá mệt, nhưng mà vui lắm!

– Cảm ơn chị vì những chia sẻ hết sức thú vị. Chúc chị và gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc như bây giờ!


Thiên An
logo smaill

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.