Kinh nghiệm chăm sóc răng cho con đáng để học hỏi

Giai đoạn bắt đầu mọc răng sữa

Thông thường, khoảng tháng thứ 6 trẻ bắt đầu mọc răng nhưng có những trường hợp trẻ mọc răng rất sớm. Như bé lớn nhà tôi, khi được 3 tháng con đã bắt đầu mọc răng cửa rồi. Lúc đầu tôi thấy lo lắm, vì nghe nhiều người nói trẻ mọc răng sớm sẽ chậm lên cân. Có chị cùng cơ quan tôi còn nói trẻ con mọc răng sớm hay còi xương lắm, vì canxi vào hết răng rồi còn đâu. Bà ngoại cũng lo lắng, lại thêm tháng thứ 2 con tôi lên được có 9 lạng nên bà càng tin là do mọc răng mà ra; rồi con lại bị đi tướt, không chịu bú thành ra nỗi lo cứ chồng chất. Cũng may tình trạng này kéo dài 5 ngày thì hết, con bắt đầu ăn uống bình thường được. Sau đó, qua tham khảo bác sĩ tôi được biết rằng, không phải mọc răng sớm khiến con chậm lớn hay thiếu canxi, mà đây là sinh lý hoàn toàn bình thường. Khi mọc răng trẻ hay đau hoặc viêm lợi nên có hiện tượng tăng tiết nước dãi, bỏ bú, đi tướt, có trẻ còn âm ỉ sốt. Vì thế nên bé tăng cân ít, dẫu vậy, mẹ chỉ cần chú ý chế độ ăn và không nên chú ý nhiều đến cân nặng của con.

Khác với bé đầu, bé thứ 2 nhà tôi lại mọc răng khá muộn (đến tháng thứ 9 con mới mọc chiếc răng đầu tiên). Nhưng do có kinh nghiệm từ “tập 1” rồi nên tôi không cảm thấy quá lo lắng, vì như lần trước bác sĩ đã tư vấn, thời điểm này cũng chưa phải là quá muộn với việc mọc răng của trẻ. Vì vậy, tôi chỉ tập trung bổ sung thêm thức ăn giàu canxi, vitamin D,… vào chế độ ăn của con, thay vì vội vã đưa con đi khám bác sĩ.

Khi bộ răng sữa hoàn thiện thì việc chăm sóc răng là vô cùng quan trọng. Lúc bé con chưa tự đánh răng được nên sau khi ăn tôi cho cháu uống nước và dùng khăn ấm lau sạch răng. Việc này tạo thành thói quen có ý thức chăm sóc răng miệng từ nhỏ cho trẻ. Khi con được 3 tuổi tôi bắt đầu hướng dẫn bé đánh răng bằng kem đánh răng trẻ em. Bàn chải cũng dùng loại mềm, bé phù hợp với trẻ nhỏ. Tôi có một nguyên tắc là buổi tối ăn cơm xong con tuyệt đối không được ăn đồ ngọt, và sau khi ăn 1 giờ các con phải đi đánh răng. Nếu đánh răng ngay sau khi ăn cũng không tốt vì axit có trong thực phẩm khiến men răng mềm hơn những lúc bình thường, đánh răng ngay sẽ vô tình làm hại men răng. Nhưng cũng không nên để quá lâu mới chải răng vì như thế là tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Sau khi đánh răng, tôi không quên dặn các con phải súc miệng bằng nước muối loãng, ấm. Các mẹ đừng lo khi thấy hàm răng sữa của con thưa nhé, vì hàm răng sữa mà thưa thì sau này răng vĩnh viễn sẽ đều hơn. Đừng vội mừng khi thấy răng sữa của con mọc đều và khít nhé, khi đó mẹ nên đưa con đến phòng răng mỗi khi con thay răng, để nha sĩ khám chỉnh răng, tránh việc răng mọc chen chúc.

Tới thời kì thay răng, đây cũng là giai đoạn cực kì quan trọng vì nó định hình hàm răng tương lai của con. Tôi tuyệt đối không nhổ răng tại nhà, dù chồng có bảo cứ để anh ấy dùng chỉ nhổ cho con. Tôi muốn tranh thủ đi nhổ để nha sĩ kiểm tra luôn tình trạng răng của con, tránh mọc lệch, tránh việc răng vĩnh viễn không đủ chỗ mọc. Giai đoạn này phát hiện được sẽ chỉnh đơn giản, đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Tôi cũng được hướng dẫn để có chế độ ăn giúp chăm sóc răng miệng phù hợp hơn. Khi con ở độ tuổi thay răng tôi không cho cháu ăn quá nhiều đồ cứng, kẹo ngọt, đặc biệt kẹo cao su, hạn chế thực phẩm giàu axit. Các món ăn chế biến thường mềm, dễ nhai. Tôi luôn phải nhắc nhở các con không được chạm tay hay đẩy lưỡi vào khoảng trống vừa mọc răng vì có thể gây nhiễm trùng và khiến răng lâu mọc.

Thời kì mọc răng vĩnh viễn

Khi bé thay xong toàn bộ răng vĩnh viễn, tôi phải thường xuyên nhắc nhở con ý thức bảo vệ hàm răng của mình. Rút kinh nghiệm từ bản thân, do không biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách mà giờ tôi có tới 5 cái răng giả. Mỗi lần làm răng vừa tốn kém, vừa đau đớn. Tôi hướng dẫn các con đánh răng theo chiều lên xuống, không đánh ngang, đánh khoảng 2 – 3 phút là đủ chứ không cần đánh quá lâu. Ngoài việc chải răng 3 lần mỗi ngày, tôi còn tập cho các con thói quen uống nước ngay sau khi ăn vì vừa sạch miệng, vừa trung hoà axit ở thức ăn, tránh được hiện tượng ăn mòn răng. Đặc biệt, không nên dùng tăm xỉa răng vì sẽ tạo lỗ hổng và gây tổn thương niêm mạc lợi.

Bảo vệ răng lợi từ bé cho trẻ không bao giờ là thừa. Khi con nhỏ hãy tập cho trẻ những thói quen lành mạnh đó. Như vậy là chúng ta đã tiết kiệm một khoản khá lớn cho tương lai con mình. Phòng vẫn hơn chữa, hãy để con mình tự tin với nụ cười toả sáng nhất. Chắc chắn khi lớn chúng sẽ cảm ơn cha mẹ nhiều lắm.

Mèo Hoa

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.