3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng chập chững những bước đi đầu tiên, 12 tháng con ê a bập bẹ “mẹ mẹ, bà bà”,… Mỗi cột mốc đó được ví như một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của con. Nhưng có lẽ bước ngoặt lớn nhất, đầy đủ cả những thấp thỏm, lo lắng và hạnh phúc vỡ òa là khi con bắt đầu đến tuổi đi học. Cũng từ đây, con bước ra khỏi vòng tay chở che của bố mẹ để hòa nhập vào một môi trường mới hoàn toàn khác.
Không ít bố mẹ lâm vào trạng thái stress tột độ khi con bắt đầu đi mẫu giáo. Những hoang mang, lo lắng nhân lên bội phần khi con khóc lóc, phản kháng sợ đi lớp; những thấp thỏm chất đầy khi không biết con ở lớp có ăn ngoan, ngủ ngoan, chơi ngoan,… Không ít bố mẹ đã nản chí, khi thấy con khóc ngặt nghẽo suốt tháng trời mà vẫn chưa quen với việc đi học. Cũng không ít bố mẹ cuối cùng quyết định để con ở nhà với ông bà, người giúp việc trông nom vì “xót” con. Vì cái sự “xót con” vô lý của bố mẹ đó, mà vô tình tước đi cơ hội được khám phá, được kết bạn mới và học hỏi vô vàn kỹ năng mới của bé.
Để mỗi ngày đi học là một niềm vui, mẹ cần chuẩn bị tâm lý trước cho con và cho cả chính bản thân mình.
Vòng tuần hoàn “yêu- ghét-yêu” khi bé bắt đầu đi nhà trẻ
Trong tuần đầu tiên đi học, bé sẽ rất vui, hào hứng do lúc này con được thay đổi môi trường, được chơi những đồ chơi mới lạ. Não bộ bé chưa hình thành khái niệm “đi học”, “đi lớp”. Đây gọi là giai đoạn đầu, khi bé rất yêu thích việc đi lớp.
Sang đến tuần thứ hai, sau 2 ngày thứ 7 và chủ nhật được ở nhà, thái độ của bé với việc đi lớp sẽ thay đổi hoàn toàn. Bé bắt đầu khóc, sợ đi lớp, không muốn đi lớp. Lúc này bé đã biết so sánh, phân biệt giữa hai môi trường ở nhà và ở lớp, giữa ông bà bố mẹ với các cô trông trẻ. Bé thôi không còn hào hứng với những đồ chơi ở trường. Không hợp tác với các cô và quấy khóc là biểu hiện thường gặp nhất trong thời gian này.
Giai đoạn cuối cùng có thể cách giai đoạn thứ hai một tuần, 2 tuần, thậm chí cả tháng tùy vào khả năng thích nghi của từng bé. Giai đoạn này bé bắt đầu quen với việc đi lớp, bớt khóc và bớt quấy hơn. Bé dần dần coi việc đi học là điều hiển nhiên, đã biết cách chấp nhận và thích nghi với môi trường mới.
Vòng tuần hoàn “yêu-ghét-yêu” này dựa trên cơ sở lý thuyết. Trên thực tế, có nhiều trường hợp bé khóc quấy ngay từ ngày đầu tiên đi nhà trẻ, thậm chí có trẻ không ăn không uống gì suốt trong một ngày vì “lạ” các cô. Chỉ có một số ít trẻ thích nghi ngay với môi trường mới và yêu thích việc đi học.
Kinh nghiệm khi cho con học mẫu giáo, nhà trẻ
Cho con đi học sớm
Độ tuổi đi học phù hợp nhất là giai đoạn 18 tháng – 2 tuổi. Trẻ càng đi học sớm, càng nhanh thích nghi và tránh được tình trạng quấy khóc. Nhiều mẹ lo lắng con chưa nói được nhiều, chưa biết gọi đi vệ sinh, chưa biết tự xúc ăn thì làm sao có thể đi học. Nhưng đây là giai đoạn vàng của bé mẹ không nên bỏ lỡ. Giai đoạn này bé học, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức mới nhanh và dễ dàng hơn giai đoạn 3 tuổi. Đối với những bé chưa biết nói, chậm nói hoặc ít nói, thì đi học là phương pháp tốt nhất giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của bé.
Cho bé làm quen trước với trường mới
Mẹ dành ít nhất 2 tuần trước ngày đi học chính thức, dẫn bé đến trường làm quen với cô giáo và các bạn. Mẹ dùng ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản, mô tả cho bé về trường lớp, cô giáo. Vài ngày đầu, có thể chỉ cho bé chơi trong khuôn viên trường. Dần dần cho bé vào lớp và quan sát các hoạt động diễn ra trong lớp. Trong khi đó mẹ dùng từ ngữ miêu tả cho bé hiểu và tạo hào hứng cho bé. Nếu bé không thích, nên dừng lại ngay và đưa bé về nhà. Đừng cố ép buộc bé nếu không sẽ phản tác dụng.
Khi bé đã quen dần và không còn sợ hãi, hãy để bé được trải nghiệm tham gia lớp học cùng các bạn. Mẹ ngồi cạnh bé, chơi cùng bé, học cùng bé, theo sát các hoạt động của bé. Mẹ để ý thái độ của bé, nếu bé vui vẻ, mẹ từ từ di chuyển ra xa, nới rộng khoảng cách với bé. Để bé quen với việc ngồi một mình mà không có mẹ.
Cho bé làm quen trước với trường mẫu giáo sẽ tạo ấn tượng tốt cho bé về việc đi học. Cách này khá hiệu quả nhưng chỉ có thể áp dụng nếu con học trường tư. Đa phần các trường công không cho phép người ngoài vào tham quan cũng như làm quen trước như vậy.
Áp dụng thời gian biểu ở nhà giống ở trường học
Thời gian biểu thông thường của các bé học nhà trẻ, mẫu giáo như sau:
– 7h15 – 8h sáng: Cô đón bé
– 8h45 – 9h: Giờ học của bé
– 10h30: Ăn trưa
– 11h: Bé ngủ
– 14h30: Bé ngủ dậy và ăn nhẹ
Mẹ tham khảo thời gian biểu này để rèn cho con đi ngủ đúng giờ, dậy sớm. Nhờ vậy khi đi học chính thức bé sẽ nhanh thích nghi hơn và mẹ cũng đỡ vất vả.
Nói chuyện với bé trước ngày đi học chính thức
Trước khi nhập học chính thức, mẹ nên nói chuyện với con về việc đi học. Bé sẽ có sự chuẩn bị tâm lý, không bị sốc nếu như được mẹ nói cho biết chuyện gì sắp xảy ra. Đừng nghĩ trẻ con còn bé, chưa biết nói thì không hiểu được. Thực tế não bộ bé vẫn xử lý, tiếp thu những thông tin đó. Hãy thủ thỉ vào tai con thật nhiều, dần dần trong ý thức sẽ hình thành việc phải đi học, và đi học không có gì đáng sợ cả.
Không lấy cô giáo ra để dọa bé
Đây là lỗi nhiều bà mẹ Việt gặp phải nhất. Chúng ta thường có thói quen lấy cô giáo, việc đi học ra để dọa bé mỗi khi bé mắc lỗi hoặc không nghe lời. Cách này vô tình khiến cho cô giáo, trường học trở nên khủng khiếp đối với bé.
Trường hợp bé vẫn khóc và sợ đi học
Trong trường hợp bé vẫn khóc và sợ đi học dù đã có thời gian làm quen trước đó. Mẹ tìm hiểu xem lý do bé khóc có phải từ phía nhà trường không. Hãy nói chuyện với bé, hỏi tại sao bé không thích đi học. Nếu bé chưa trả lời được, mẹ có thể tự trả lời hộ bé. Khi ấy bé sẽ rất hứng thú. Mỗi ngày đều lặp lại như vậy, nói chuyện thường xuyên về lớp học, cô giáo, bé sẽ dần quen và bớt đi cảm giác sợ hãi phải đi học.
Việt Hà
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.