Kinh nghiệm dành cho dân phượt khi đi “săn tuyết”

Kinh nghiệm dành cho dân phượt khi đi “săn tuyết”

Đêm 16/12, miền Bắc có mưa, mưa nhỏ đều khắp, rét đậm đã bao phủ toàn Bắc Bộ, vùng núi rét hại, các vùng núi cao trời rét hại nặng.

Vùng núi cao Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ giảm nhanh, kèm theo mưa nhỏ càng làm tăng thêm mức độ lạnh cóng. Đêm qua trên đèo Ô Quý  Hồ đã xuất hiện băng giá.

Dù chưa có tuyết rơi, nhưng khách du lịch đã kéo lên đèo Ô Quý Hồ, tiếp giáp 2 tỉnh Lai Châu – Lào Cai để chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Phia Oắc (Cao Bằng) cũng đã xuất hiện đợt băng tuyết đầu tiên của mùa đông năm nay. Sau khi những bức hình băng tuyết được đăng tải trên mạng xã hội, đã thu hút rất nhiều sự chú ý và quan tâm của dân du lịch.

Băng giá phủ trắng các cành cây ở Phia Oắc khiến nhiều người thích thú

Những bức ảnh ấn tượng tại Phia Oắc (Cao Bằng) ngay lập tức đã đánh trúng “tim đen” của các tín đồ “mê” tuyết rơi. Nhiều bạn trẻ đã háo hứng, lên lịch trình ngắm tuyết ngay cho mình. Nhưng trước mỗi chuyến đi, các bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ càng mọi thứ, để hành trình “săn tuyết” của mình được hoàn hảo nhất.

Dưới đây là những kinh nghiệm săn tuyết tại các vùng núi phía Bắc, mà các bạn cần tham khảo:

Ghi nhớ những địa điểm có tuyết

Để có thể ngắm được tuyết đẹp thì bạn phải ghi nhớ những địa điểm có tuyết. Không phải địa điểm nào ở SaPa cũng hay có tuyết rơi, dù bạn lên đúng đợi tuyết rơi nhưng không đến đúng nơi cũng có thể không gặp được tuyết hoặc không gặp được cảnh tượng tuyết rơi nhiều và đẹp. Ít ra thì thị trấn SaPa nơi xe dừng rất hiếm khi có tuyết mà bạn muốn ngắm tuyết thì phải ngắm ở địa điểm cao hơn.

Theo kinh nghiệm săn tuyết của người ưa du lịch thì khu vực hay có tuyết ở SaPa là khu núi Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quy Hồ hay khu Cổng Trời, Thác Bạc. Từ SaPa bạn tìm đường đi đến những khu vực này khá dễ, chỗ gần thì 20km, xa thì 40km. Nếu có thời gian và chịu khó thì bạn đi đèo Y Tý, tuyết băng sẽ nhiều và đẹp hơn.

Bảo quản đồ điện tử

Trong thời tiết giá lạnh và ẩm ướt như vậy bạn không nên bỏ những đồ điện tử như máy ảnh hay điện thoại quá lâu ở bên ngoài. Chắc hẳn bạn không muốn những chiếc điện thoại đắt tiền như iPhone 5, iPhone 6 của mình nhanh chóng giảm tuổi thọ chứ?Tốt nhất là mang theo bao đựng đồ bằng nhựa trong suống loại chụp dưới nước để đựng iPhone, Samsung tùy từng loại và máy ảnh nếu không chúng dễ bị ẩm. Mang thêm sạc hoặc pin dự phòng vì chúng sẽ nhanh hết pin

Chuẩn bị trang phục

Dĩ nhiên, Việt Nam là nước nhiệt đới, hầu hết mọi người không quen thuộc với khí hậu quá lạnh hay thời tiết có tuyết nên bạn phải chuẩn bị thật kĩ càng về trang phục. Nhiệt độ khi có tuyết tại SaPa thường là từ 0 độ đến dưới 0 độ C nên nếu bạn chỉ sử dụng quần áo ấm bình thường thì chắc chắn bạn sẽ run như cầy sấy khi mới đặt chân đến nơi đây chứ đừng nói gì thoải mái chơi đùa. Ngoài các loại đồ ấm bình thường hãy tìm mua các sản phẩm giữ ấm đặc biệt:

– Miếng dán giữ nhiệt, có bán ở rất nhiều nhà thuốc hoặc bán trên mạng. Bạn sử dụng để dán dưới tất hay để trong túi áo, sẽ có hiệu quả giữ ấm đáng kể.

– Áo lót giữ nhiệt bên trong. Khẩu trang, mũ len, khăn len, găng tay, bịt tai, tất chân. Có thể mua được găng tay và tất cân loại chống thấm nước thì càng tốt.

– Áo khoác: Chọn loại áo khoác thật dày, không chỉ có khả năng giữ ấm mà còn phải có khả năng chống nước, chống gió vì khi trời có tuyết sẽ khá ẩm. Nhiệt độ cơ thể có thể làm tuyết tan gây ướt người.

– Quần: Nên mặc quần tất len dày bên trong và thêm 1 quần vải trơn, tránh bám tuyết bên ngoài.

– Giày: Chọn loại dày dày dặn vì dù có đi tất thì chân bạn vẫn sẽ bị lạnh. Giày phải có đế chống trượt vì đi trên nền tuyết rất dễ trơn trượt làm bạn bị ngã.

– Bó ống; Loại này bạn có thể mua ở các cửa hàng đồ du lịch, giá khá rẻ, chủ yếu để tránh tuyết rơi vào giày.

Di chuyển

– Trong điều kiện tuyết rơi và băng giá nên hạn chế đi xe máy vì mặt đường có lớp băng rất trơn, khi phanh rất dễ bị trượt bánh. An toàn hơn các bạn nên thuê riêng một xe du lịch cho chuyến đi đông người.

– Lốp xe không nên bơm căng, giảm tiếp diện của bánh xe với mặt đường. Nên xịt bớt hơi và khi vào cua nên giữ thẳng xe.

 – Xe máy nên trang bị xích bao quanh bánh để đi trên mặt đường đóng băng

 – Nên bảo dưỡng xe, kiểm tra độ mòn của lốp xe, phanh xe… trước khi khởi hành.

– Khi “ôm cua” tại những đoạn có tuyết rơi không nên phanh xe bất ngờ, nên đi cẩn thận vì thời tiết có tuyết tầm nhìn sẽ bị hạn chế.

Mách bạn 6 địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở miền Bắc
(Khám phá) – Bạn đang cần tìm một địa điểm chụp ảnh cưới đẹp ở miền Bắc. Hãy cùng khám phá những địa điểm chụp ảnh cưới vừa hoang sơ, mộc mạc ở miền Bắc.

Nguồn: Thu Hà (t/h)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.