Kinh nghiệm gửi bé về quê với ông bà

Với nhiều gia đình ở thành phố hiện nay, việc sắp đặt người trông con nhỏ chưa đủ tuổi đi nhà trẻ là một vấn đề khá nan giải. Nếu may mắn trẻ được ông bà nội, ngoại trông, nếu không bố mẹ sẽ phải thuê người giúp việc, cho con đi gửi (ở nhà trẻ tư thục hoặc là người trông trẻ tại nhà). Ngoài ra, gửi con về với ông bà ở quê một thời gian, chờ con cứng cáp hơn, đủ tuổi đi trẻ thì lại đón về cũng là một giải pháp được nhiều người chọn lựa. Dưới đây là chia sẻ kinh nghiệm của một người mẹ về quyết định vì sao chị lại gửi bé về quê và những bước chuẩn bị để con về ở với ông, bà suôn sẻ nhất.

Gửi bé về quê ở với ông bà là cả một quyết định khó khăn với  nhiều cặp cha, mẹ
(Ảnh minh họa)

Là một người mẹ phải đứng trước sự lựa chọn: cho bé ở lại thành phố với bố mẹ và đi gửi trẻ hoặc ở với người giúp việc, hay là cho bé về quê sống với ông bà, tôi đã “đào xới” mạng Internet để tìm thông tin tham khảo, cũng như nghe tư vấn từ rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Cuối cùng, tôi rút ra được một điều: mình phải biết CẦN làm gì tốt nhất cho bé, và gạt đi những điều bản thân mình MUỐN từ ảnh hưởng của cảm xúc nhớ thương và mớ lý thuyết nôi dạy con, cũng như gạt đi cả những điều mà người khác muốn áp đặt mình làm đối với con, chắc chắn cha mẹ bé sẽ là người ra quyết định cuối cùng bé sẽ ở với ai và ở trong bao lâu.
Đặt điều bé cần lên trên điều mẹ muốn
Tôi cần nói qua về hoàn cảnh gia đình mình để các mẹ đang rối bời như tôi từng thế dễ hình dung. Tôi có 2 con trai, 4 tuổi và 1 tuổi rưỡi. Hai vợ chồng tôi làm việc ở Hà Nội và thuê một căn nhà tập thể đủ rộng, thoáng, sạch sẽ và ở vị trí tiện lợi cho công việc cũng như việc học hành của các cháu. Khi cháu nhỏ được 18 tháng, bà nội phải về quê và không trông bé được nữa, bà ngoại cũng không ra thành phố trông cháu được. Tôi phải lựa chọn: thuê người giúp việc, cho con đi học, hoặc cho về với ông bà. 
Lựa chọn thuê giúp việc và cho con đi học, tôi thiên về cho bé đi học. Dù bé 18 tháng, tôi có thể cho bé đi học được rồi, nhưng chắc chắn ban đầu bé sẽ đau ốm, và tôi xác định: bé cần khoẻ mạnh, hơn là được ở cạnh mẹ vài tiếng mỗi ngày sau khi đi học về nhưng ốm đau quặt quẹo, dù chỉ là ốm đau một thời gian. Tôi đã băn khoăn rằng bé được ở với bố mẹ sẽ tốt hơn, dù phần lới thời gian là đi lớp; nhưng rồi tôi gạt ngay ý nghĩ đó đi, thực tế có như lý thuyết đâu! Thế là tôi quyết định khi bé lớn và khoẻ hơn chút nữa mới đi lớp. 
Thuê người giúp việc thì hiện nay các mẹ ở vào tình trạng “may hơn khôn”, nếu may tìm được người tốt thì không sao, ngược lại thì thay giúp việc liên tục cũng là điều tôi không muốn. Vậy là tôi nghĩ, bé sẽ ở với ông bà, vì trong gia đình tôi, ông bà nội hay ngoại đều có khả năng chăm nuôi và giáo dục con trẻ (có điều là ông bà sẽ mệt thôi).
Ở quê rộng rãi, bé nhà tôi được ông bà cho chơi rất nhiều trò “chỉ ở quê mới có”
Ông bà nội hay ông bà ngoại?
Khi đã quyết định rằng bé ở với ông bà, tôi lại rơi vào thế phải lựa chọn cho bé về với ông bà nội hay ông bà ngoại. Tất nhiên là cả hai bên ông bà đều rất sẵn sàng giúp con cháu, nhưng sau khi cân nhắc hoàn cảnh, môi trường sống, tôi đã lựa chọn cho bé về bà ngoại, dù bà nội cũng rất mong muốn đón cháu về. Tôi biết có rất nhiều mẹ cũng giống như tôi, phải chịu những áp lực “vô hình” về việc từ chối cho bé về với ông bà nội. Những topic kiểu “mẹ chồng em đòi mang cháu về nuôi, em phải làm thế nào” đầy rẫy trên mạng Internet, và vì nhiều lý do tế nhị mà các mẹ khó xử lý khi gặp trường hợp này. 
Tôi cũng nghĩ rằng có lẽ mẹ chồng tôi sẽ phật lòng khi tôi gửi con ở nhà ngoại, nhưng cuối cùng, việc em bé vui khoẻ và phát triển tốt hơn mới là điều cần thiết, hơn cả những quan niệm cổ hủ và sự sĩ diện hão. 
Phải nói thêm rằng bé nhà tôi về ông bà nội thì cũng tốt thôi, nhưng ở nhà ông bà ngoại nhiều “nhân lực” hơn, ông bà ngoại trẻ hơn, bé có nhiều bạn hơn, và do đó vợ chồng tôi đánh giá bé sẽ phát triển tốt hơn là chỉ thui thủi cả ngày với ông bà nội. Nếu bà nội tự ái hay không thể thông cảm, chồng tôi sẽ phải làm công tác tư tưởng cho bà, tôi cũng vậy, chấp nhận bị bà “ghét” vì điều mà con tôi cần và sự thanh thản cho phần sau quyết định của mình!
Một trong những lý do tôi chọn gửi con về ông bà ngoại
 là ở ngoại con có nhiều anh, em họ sàn sàn tuổi, có thể chơi cùng nhau

Không sốt ruột và “chỉ đạo” ông bà
Khi tôi đã cân nhắc và quyết cho bé về với ông bà, tôi quyết định mình sẽ phải “tĩnh tâm”, không sốt ruột, kiềm chế cảm xúc nhớ con. 
Tôi gọi điện mỗi ngày một lần vào cuối ngày, để hỏi han về con và nói chuyện ê a với con qua điện thoại. Việc giao tiếp với con hàng ngày, dù chỉ là qua điện thoại, cũng rất quan trọng, các mẹ đừng bỏ qua. 
Về việc chăm nuôi và dạy dỗ bé, tôi thường bàn thảo với ông bà, chứ không bao giờ nói kiểu “mẹ phải thế này, bố phải thế kia”; tất nhiên có những việc thì phải thống nhất với ông bà ngay từ đầu như các thói quen của bé (trước khi ngủ làm các thủ tục gì chẳng hạn), cách cho bé ăn (bé chỉ ngồi ghế ăn, không ăn rong) hay việc nếu bé ốm thì không tự tiện mua thuốc kháng sinh cho bé uống. Nhiều việc khác tôi để ông bà tự quyết, và âm thầm đánh giá kết quả của cách nuôi dạy đó, nếu có vấn đề thì tôi sẽ có ý kiến, còn không thì… thôi. 
Một khi bé đã xa bố mẹ và ở với ông bà, việc mẹ ngồi cả ngày lo lắng cũng không giải quyết được gì. Thay vào đó, tôi tập trung làm việc, chăm bé lớn tốt, để cuối tuần về sớm với bé em. Dù ông bà ở xa, tôi cũng bố trí về với bé hàng tuần, cùng lắm là cách tuần về một lần.
Trên thực tế, bé về quê với ông bà lại có vẻ “xỉnh” hơn hồi ở thành phố, 
có lẽ không gian thoáng đoãng, trong lành cũng giúp con thoải mái hơn
Bé nên về với ông bà trong bao lâu?
Tất nhiên cha mẹ nên thu xếp công việc và cuộc sống sao cho thời gian bé ở với ông bà càng ngắn càng tốt. Mức độ “ngắn” này sẽ phụ thuộc từng hoàn cảnh cụ thể, có thể là một vài tháng, có khi nửa năm, mà cũng có thể là cả năm. 
Thường các bé sẽ mất khoảng 1-2 tuần đầu quen với môi trường sống xa bố mẹ, sau đó bé sẽ thích nghi. Bé lớn nhà tôi đã từng ở với ông bà ngoại cả nửa năm (tôi vẫn nói chuyện hàng ngày với bé, hàng tuần về thăm bé) và vẫn phát triển tốt. 
Tôi đã biết các bé từ 0-3 tuổi đặc biệt cần sự dạy bảo, giáo dục tốt của bố mẹ, nhưng nếu bố mẹ và ông bà trao đổi thông tin liên tục thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Còn khi bố mẹ phát hiên có bất cứ sự phát triển lệch lạc nào, thì cần ra những quyết định khác, thậm chí dừng việc cho bé ở xa, không để bé ở với ông bà nữa. 
Nhưng đa số các trường hợp, các bé sẽ tốt cả thôi, vẫn sẽ lớn lên và mong được ở cùng bố mẹ, khó xảy ra chuyện “mất con” hay “không còn nhận ra con mình”, nếu như bố mẹ quyết định đúng ngay từ đầu!
Như vậy, khi ra quyết định có cho bé về quê với ông bà hay không, cha mẹ hãy dùng cả lý trí và tình cảm để suy xét. Hãy trả lời bằng lý trí “bé cần gì?” và lấy trái tim mình trả lời “mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu làm như vậy”. Cuối cùng, việc bé ở với ông bà một thời gian không phải là một thảm hoạ, và dù nhớ con đến quay quắt nhưng các mẹ hãy nghĩ nếu con ở với mình trong thời điểm này, thì có tốt hơn không, khi mình quá bận rộn và thực sự không thể sắp xếp thời gian biểu cho con?
Ngọc Anh
logo smaill
Mời các mẹ thông thái chia sẻ cùng Em Đẹp những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân khi chăm sóc con em mình. 
Các mẹ cũng có thể gửi câu hỏi, thắc mắc cần được giải đáp để Em Đẹp làm cầu nối giúp bạn sớm có những thông tin hữu ích, đáng tin cậy nhất.  Chia sẻ/gửi thông tin bằng cách: Bình luận phía dưới bài hoặc gửi email cho Em đẹp về địa chỉ email: giadinh@emdep.vn 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.