Thời vụ trồng đậu tương hè giữa hai vụ lúa thường rất ngắn, từ 25/5- 5/6. Nếu trồng đậu tương hè trên chân ruộng thu hoạch lúa muộn sau 5/6, bà con cần làm mạ đậu tương. Làm mạ đậu tương hè, cho phép rải vụ, rút ngắn thời vụ được 5-7 ngày. Xin giới thiệu kinh nghiệm làm mạ đậu tương hè của bà con nông dân Hiệp Hoà, Bắc Giang.
Trồng đậu tương (Ảnh: longdinh) |
Lượng giống đậu tương cần 1,5 – 2kg/sào Bắc bộ. Thường sử dụng các giống ngắn ngày như: DT 99 và DT 12. Giống đậu tương DT 99 và DT 12 trồng được cả 3 vụ, xuân – hè và thu đông. Thân mập, chống đổ tốt. Chiều cao cây 50 – 55cm. Thân cây non màu xanh trắng, hoa màu trắng. Thời gian sinh trưởng vụ hè từ 72 – 75 ngày. Năng suất trung bình 16 – 18 tạ/ha. Hạt dạng tròn bầu, màu vàng sáng. Chống bệnh gỉ sắt, sương mai khá.
Làm mạ đậu tương: Cách làm như sau: Cần 5- 6 m2 đất mạ cho 1 sào Bắc bộ. Dùng cát 70% + đất màu 30%, tạo độ xốp, trộn thành lớp đất dày 10cm trên nền đất cứng. Sử dụng 1,5 – 2kg giống tốt mua ở những cửa hàng giống lớn, có uy tín, làm mạ cho 1 sào Bắc bộ. Trải đất + cát dày 8cm, dùng ô doa tưới đẫm nước. Gieo hạt đậu cách nhau 1- 1,5cm rồi dùng đất cát phủ dày 1 – 1,5cm. Dùng bình bơm bông sen phun ẩm nhẹ. Chú ý không để đọng nước trên bề mặt. Nếu gặp mưa cần dùng bạt nilon che đậy kín tránh chẩm hạt. Sau khi hạt nẩy mầm 3 ngày tưới nhẹ mỗi ngày một lần đảm bảo độ ẩm 70 – 75%. Tiến hành nhổ khi cây 6 – 10 ngày tuổi, có 1-2 lá thật (bứng đất rũ nhẹ). Chú ý cấy đậu tương vào buổi chiều để cây đỡ chột, cấy 2-3 cây/hốc theo khoảng cách như đã định. Đất ướt dùng thêm một nắm đất khô bỏ vào gốc ấn cho chặt gốc, đất khô lấp đất nhỏ xung quanh rồi dùng ô doa tưới đẫm, chăm sóc như hướng dẫn trong qui trình.
Trước khi nhổ cấy 1-2 ngày, bà con cần phun phòng dòi đục thân và bệnh lở cổ rễ hại cây con bằng thuốc Padan 95SP hoặc Regent 800WG + Anvil 5-10EC hoặc Validamycin 3-5SL. Chăm sóc đậu tương cấy bằng cây con cần khẩn trương, tưới 3-4kg đạm urê +10-15kg supe lân +2kg kali clorua làm 3-4 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày sau khi cây đậu đã bén rễ hồi xanh, hoà loãng phân khoáng với nước sạch, để tưới. Sau khi tưới phân khoáng cần dùng ô doa tưới lại nước sạch lên tán lá để rửa phân cho khỏi cháy lá non.
Theo Trung tâm Tin học Bộ NN&PTNT