Kinh nghiệm phượt cung đường xứ Mù Cang Chải dịp 2/9

Tháng 9, những thửa ruộng bậc thang trên khắp các cánh đồng người Thái, người Mông của mảnh đất Yên Bái là ngạo ngạt hương thơm, thôi thúc những tay lái xe máy chạy xe một lần đến đây.

Nằm cách Hà Nội gần 300 km, những ruộng bậc thang ở xứ Mù đã bắt đầu vào mùa lúa mới sau một năm vất vả. Vẻ đẹp của lúa và của ruộng bậc thang trong nắng thu rực rỡ là điều không thể bỏ qua với cánh nhiếp ảnh và những người mê du lịch. Năm trăm ha ruộng này là di sản của người Mông đã được nhà nước công nhận. Và ruộng bậc thang, với người Mông đời đời kiếp kiếp là hình ảnh gắn với cuộc sống định cư của họ.

DSC-0313copy-1376994876.jpg

  • 1

    Cung đường

    Hà Nội – Sơn Tây (50 km):

    Có hai đường chạy đến Sơn Tây từ Hà Nội: Đại lộ Thăng Long và đường 32.

    Sơn Tây – Thanh Sơn – Thu Cúc (90 km)

    Con đường trải nhựa đẹp. Một bên là đê sông Hồng, một bên là những thửa ruộng đang đến mùa gặt hái. Đoạn đường trên mảnh đất Phú Thọ bắt đầu có nhiều đèo dốc hơn với những cua ngoặt và đường hẹp lại. Hai bên con đường là những đồi chè xanh mướt và những cánh rừng, đồi cọ bạt ngàn.

    Thu Cúc – Nghĩa Lộ (60 km):

    Vượt qua đèo Khế và đèo Ách, cũng là lúc tạm biệt mảnh đất Phú Thọ để sang đất Yên Bái. Con đèo dài gần 30 km giờ đã được làm xong.

    Nghĩa Lộ – Văn Chấn – Tú Lệ – Mù Cang Chải (100 km)

    Từ Nghĩa Lộ đến Văn Chấn bắt đầu những con đường đèo dốc quanh co. Văn Chấn rồi Tú Lệ, những thửa ruộng tuyệt đẹp trải dài suốt hai bên đường đi.

    Tại Tú Lệ, những thửa ruộng của bản làng người Thái đã thơm hương ngào ngạt. Nếu vào đúng mùa gặt, bạn có thể được ăn những bát cơm gạo mới. Còn nếu đến sớm hơn một chút, hãy thử thưởng thức món cốm thơm được làm từ gạo nếp Tú Lệ trứ danh. Mùa táo mèo cũng thường trùng với mùa lúa chín. Những trái táo chua chua chát chát ngâm rượu ngon tuyệt.

    Từ Tú Lệ đến Mù Cang Chải phải vượt qua con đèo 20 km mang tên Khau Phạ. Giữa lưng chừng đèo, cảnh sắc của những cánh đồng lúa ngả màu dưới thung lũng tuyệt đẹp là một trong những khung cảnh bất cứ ai cũng không thể bỏ qua.

    Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha, hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất Mù Cang Chải. Năm trăm ha ruộng này chính là di tích, di sản của người Mông được nhà nước công nhận.

    DSC-0266-JPG-1376994877.jpg

    Những bậc thang lên trời ở La Pán Tẩn.

  • 2

    Điểm chơi

    Khu vực suối khoáng nóng Thanh Thủy, gần cầu Trung Hà.

    Những đồi chè mướt xanh trên con đường Thanh Sơn đến Thu Cúc.

    Bản Hốc và suối khoáng Bản Hốc tại thị trấn Nghĩa Lộ.

    Chè và rừng chè cổ thụ Suối Giàng tại Văn Chấn.

    Thung lũng Mường Lò tuyệt đẹp trong mùa thu vàng.

    Đường lên Tà Sì Láng, một cung đường khó dài khoảng 25 km.

    Những thửa ruộng chín vàng trong thung lũng Tú Lệ, suối nước nóng Tú Lệ.

    Những thửa ruộng chín vàng trong thung lũng Khau Cọ, dưới chân đèo Khau Phạ.

    Hai xã La Pán Tẩn và Chế Chu Nha, những xã có ruộng bậc thang đẹp nhất đất Yên Bái.

    Những thửa ruộng bậc thang suốt dọc dài hai bên đường đến Mù Cang Chải.

  • 3

    Điểm ăn uống

    Đặc sản: thịt chua Phú Thọ, chè suối Giàng, gạo nếp và gà đồi Tú Lệ, ếch núi Mù Cang Chải, măng chua, thịt lợn luộc, lợn nướng lá dong, thịt trâu gác bếp, rượu táo mèo.

    Nhà hàng trên đường: An Rắn đường Ao Sen (Nghĩa Lộ) và Phố Núi (Tú Lệ).

    Điểm nghỉ ngơi: giá 180.000 – 250.000 đồng/ phòng đôi.

    Khách sạn tại Nghĩa Lộ: khách sạn Nghĩa Lộ và miền Tây.

    Nhà nghỉ: Nhà nghỉ Phố Núi tại Tú Lệ, nhà nghỉ tại Mù Cang Chải. nhà nghỉ Suối Mơ và  Sơn Ca.

    Trạm xăng dầu: Trên đường Quốc lộ 32 có khá nhiều trạm xăng. Tuy nhiên, bạn nên đổ xăng đầy bình tại các điểm bán xăng lớn trước và sau thị trấn.

    4-1376995238.jpg

    Mù Cang Chải trong mùa lúa chín.